Triển vọng chế tạo thành công “siêu miễn dịch” nhờ vào loài dơi
Ngày đăng: 01/03/2016 09:37
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/03/2016 09:37
Mới đây, các nhà khoa học đã bắt tay nghiên cứu về việc, vì sao loài dơi không phát bệnh sau khi nhiễm các loại virus gây chết người như Ebola, MERS…? Nếu thành công, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một “siêu miễn dịch” cho con người.
Virus Ebola có thể gây chết người, nhưng dựa vào hệ thống miễn dịch bẩm sinh của mình, dơi vẫn dễ dàng ức chế hoạt động của loại virus đáng sợ này. |
Trong thiên nhiên hoang dã, dơi là chủ thể tự nhiên của hơn 100 loài virus khác nhau, trong đó có rất nhiều loại virus gây ra các bệnh nguy hiểm cho con người như Ebola, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), bệnh dại...
Theo tờ Daily Mail, virus gây bệnh Ebola được phát hiện vào năm 1976 sau khi nó bùng phát và tạo ra các vụ dịch bệnh gây chết người ở châu Phi. Ban đầu, khỉ đột được cho là chủ thể của loài virus đáng sợ này và truyền sang con người sau khi ăn thịt khỉ.
Thế nhưng, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, dơi mới là chủ thể tự nhiên của virus Ebola. Chúng mang virus trong người và khi đi kiếm ăn, dơi truyền virus sang các loại trái cây mà chúng cắn vào. Do đó, khi con người hoặc các loài động vật khác ăn trúng thức ăn thừa của nó, virus Ebola sẽ xâm nhập vào cơ thể. Thậm chí, những người tiếp xúc trực tiếp với phân dơi cũng bị nhiễm bệnh chết người này.
Ngoài ra, trong năm 2012-2013, một loại virus có tên Hendra đã gây ra hội chứng hô hấp cấp tính khiến 774 trường hợp chết người đã được tìm thấy ở loài dơi móng ngựa Trung Quốc. Đáng chú ý, dù mang nhiều loại virus đáng sợ, nhưng dơi lại không hề phát bệnh. Điều này gợi nhiều tò mò cho giới khoa học và họ đã bắt tay vào nghiên cứu để giải mã vấn đề này.
Manh mối đầu tiên bắt nguồn từ việc phân tích gene của một con dơi và một con cáo bay đen Australia. Qua đó cho thấy, yếu tố giúp dơi thoát khỏi sự đe dọa của virus có thể liên quan tới khả năng bay.
Hoạt động bay đòi hỏi hệ chuyển hóa làm việc với tốc độ cao, gây áp lực và những tổn thương tiềm tàng lên các tế bào trong cơ thể. Để thích ứng với hoạt động này, dơi có thể đã phát triển cơ chế khiến một vài phần của hệ miễn dịch luôn trong trạng thái làm việc liên tục.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện, một nhóm protein truyền tín hiệu có tên là Interferon đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Ở loài dơi, các Interferon này hoạt động liên tục và tạo cho chúng một hệ miễn dịch bẩm sinh ngay cả lúc không mắc bệnh. Do đó, chúng không bị phát bệnh dù mang trong người hàng trăm loại virus gây chết người.
Trong khi đó, ở các loại động vật có vú khác, nếu Interferon hoạt động liên tục sẽ gây hại cho các tế bào và gây ra các bệnh tự miễn đáng sợ như viêm khớp, hoại tử tế bào, viêm đa rễ dây thần kinh…
Tiến sĩ Michelle Baker - một nhà nghiên cứu miễn dịch học từ dơi làm việc cho Tổ chức Khoa học và Nghiên cứu công nghiệp các nước thuộc khối thịnh vượng chung Anh (CSIRO) tại Australia cho biết: “Cơ thể dơi có Interferon hoạt động 24/7. Điều này giúp chúng tạo ra một hệ miễn dịch bẩm sinh và liên tục để phòng chống bệnh tật.
Điều đáng ngạc nhiên là ở dơi chỉ có 3 Interferon, bằng 1/4 so với con người. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể phòng chống được bệnh tật một cách hoàn hảo. Nếu chúng ta có thể nghiên cứu thành công và áp dụng cơ chế miễn dịch của dơi vào con người, thì các bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao như Ebola chỉ là điều trong quá khứ”.
Theo Khoahocphattrien