Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023
Ngày đăng: 09/05/2022 08:13
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/05/2022 08:13
Tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 với 7 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ nguồn lực cho người dân, người lao động; doanh nghiệp và các ngành khôi phục sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh sau dịch Covid-19.
Ông Đinh Xuân Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk |
Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Xuân Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xoay quanh về vấn đề này.
Biên tập viên: Thưa ông! Được biết, cuối tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Xin ông cho biết địa phương đã triển khai những nội dung này như thế nào? Những định hướng lớn và giải pháp của tỉnh trong thời gian tới?
Ông Đinh Xuân Hà: Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 1987/CTr-UBND ngày 15/3/2022 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Thời gian thực hiện trong 02 năm 2022 – 2023, tập trung hỗ trợ người dân, người lao động; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Chương trình gồm 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động; (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí và chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; (4) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Khánh Hòa để thúc đẩy, sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (5) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo (6) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (7) Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Về triển khai: Các Sở, ngành, địa phương đều đã ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể với những nội dung chi tiết; chủ động triển khai theo chức năng nhiệm vụ. Bước đầu, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong Quý 1 tiếp tục có bước phát triển, tăng trưởng đạt 6,06%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 20%; các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ của Chương trình đã ban hành; triển khai kịp thời, hiệu quả các gói hỗ trợ của Trung ương cho các doanh nghiệp, người dân và các chương trình cho vay ưu đãi đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định.
- Đẩy mạnh cải cách cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
- Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm;
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án từ nguồn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; phối hợp Trung ương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc BMT - Khánh Hóa, bố trí vốn đối ứng thực hiện công tác GPMB theo yêu cầu.
Biên tập viên: Thưa ông! Cùng với chính sách điều hành mới của Chính phủ về thích ứng an toàn linh hoạt với dịch COVID-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong Quý 1/2022 như thế nào thưa ông? Đồng thời xin cho biết giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, cũng như những giải đẩy mạnh sự phát triển, tốc độ tăng trưởng của tỉnh các năm tiếp theo?
Ông Đinh Xuân Hà: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt; Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quý 1/2022 đạt được những kết quả tích cực như:
- Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 11.576,54 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,06%; Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.410,83 tỷ đồng, tăng 3,54%; Tổng kim ngạch xuất khẩu 385 triệu USD, tăng 56,31%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên thị trường đạt 23.716,88 tỷ đồng, tăng 8,91%; Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.243,64 tỷ đồng, tăng 24,15% so với cùng kỳ.
Trong Quý, có 327 DN đăng ký thành lập mới, tăng 19,78%. Lũy kế đến 31/3/2022, tổng số DN còn hoạt động trên địa bàn tỉnh là 11.288 DN. Có 227 DN tạm ngừng hoạt động uay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tỉnh đã Quyết định chủ trương đầu tư cho 02 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 7.666 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội, được quan tâm thực hiện. Quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được chú trọng thực hiện; quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Về đầu tư công: Kế hoạch đầu tư được các đơn vị, chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện. Đến ngày 06/4/2022, đã giải ngân 304,6 tỷ đồng, đạt 9,5% KH.
Sản xuất thép ở Khu công nghiệp Hòa Phú |
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh; giá nguyên, vật liệu và nhiên liệu tăng cao,ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp do những tháng đầu năm, các dự án khởi công mới chủ yếu triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án…
* Giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
- Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống của người dân trong trạng thái bình thường mới.
- Đẩy mạnh huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển;
- Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. BMT, trọng tâm là phối hợp trình Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố BMT;
- Tăng cường thu hút đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Biên tập viên: Xin ông cho biết các nội dung hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp mà tỉnh đang triển khai thực hiện, những nội dung nào dự kiến sẽ triển khai trong khuôn khổ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh thưa ông?
Ông Đinh Xuân Hà: Để hỗ trợ, đồng hành cùng DN, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như: Đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại tỉnh.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ DN chuyển đổi số, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp…
2. Trong khuôn khổ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh tiếp tục triển khai 08 nhóm hỗ trợ như sau:
Về thuế, phí, lệ phí: Triển khai giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp các loại thuế như: GTGT, TNDN, TNCN, tiền thuê đất trong năm 2022 – 2023 theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP.
Về tín dụng: Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, NHNN Việt Nam cho đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ,…Đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng.
Hỗ trợ DN tổ chức sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, phát triển thương mại điện tử.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung ứng hàng hóa.
Hỗ trợ DN phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tư vấn, hỗ trợ DN chuyển đổi số…
Hỗ trợ, phát triển du lịch: Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương với thông điệp Đắk Lắk là điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
Hỗ trợ phát triển thông tin – truyền thông: Hỗ trợ các DN công nghệ thông tin, điện tử, bưu chính viễn thông đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai nền tảng ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN trong sản xuất kinh doanh.
Triển khai các chính sách hỗ trợ khác như giảm tiền điện, tiền nước cho DN và các gói hỗ trợ khác từ Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác.
Xin cám ơn ông!
Theo Daklak.gov.vn