Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2018
Ngày đăng: 31/01/2018 15:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/01/2018 15:49
Sáng 31/1, Ban Chỉ đạo phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người của tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2018. Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị cùng các thành viên. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, diễn biến dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn cả nước và trong tỉnh đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ của bệnh dịch mới nổi, với các mức độ khác nhau, gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, xã hội và y tế công cộng. Một số dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như bệnh do vi rút Zika vẫn tiếp tục ghi nhận tại một số tỉnh, thành, ghi nhận 160 nghìn trường hợp mắc bệnh, bệnh tay chân miệng mắc hơn 81 nghìn trường hợp không có trường hợp tử vong. Các bệnh bạch hầu, viêm não Nhật Bản B, viêm màng não do não mô cầu, bệnh dại, uốn ván khác dù có vác xin phòng bệnh nhưng tiếp tục gia tăng.
Tại địa bàn Đắk Lắk, bệnh do virút Zika chưa ghi nhận có trường hợp mắc bệnh. Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành hằng năm, hiện nay có 1.993 trường hợp, giảm 6 lần so với năm 2016, không có trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng có 1.791 trường hợp mắc bệnh, tăng gấp 4 lần so với 2016, không có trường hợp tử vong. Bệnh uốn ván sơ sinh ghi nhận 7 trường hợp ở các huyện Cư M’gar, Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột do không được tiêm phòng. Bệnh cúm A (H5N1) đã phát hiện 10 ổ dịch cúm trên 8/15 huyện, thị xã, thành phố. Một số bệnh có số tử vong còn cao như dại, uốn ván sơ sinh, uốn ván khác, viêm não Nhật Bản B.
Theo dự báo của ngành y tế về tình hình dịch bệnh năm 2018, các nhóm bệnh do vi rút gây ra, các bệnh chưa có vác xin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu luôn có nguy cơ xâm nhập và lan rộng trong cộng đồng trong quá trình giao lưu, tiếp xúc. Vì vậy, các tuyến y tế cơ sở cần triển khai chỉ tiêu chuyên môn kéo giảm tình trạng phát sinh đối với từng nhóm bệnh truyền nhiễm như: Bệnh cúm nhóm A xử lý kịp thời, không để dịch bệnh phát tán, lan rộng; Bệnh sốt xuất huyết tỷ lệ mắc giảm 15% (88,4 /100.000 dân); Các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng vận động tiêm ngừa đạt trên 90% và không có huyện nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván sơ sin. Tất cả các dịch bệnh mới phát sinh, ổ dịch được phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh, kéo dài.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Để công tác phòng chống dịch bênh nguy hiểm đạt được hiệu quả cao, các đại biểu đã tập trung bàn về giải pháp liên quan đến vấn đề thay đổi phương thức truyền thông về bệnh mới nổi tại cộng đồng đến từng thôn, buôn; phòng chống uốn ván sơ sinh tại các vùng lõm về tiêm chủng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng tại huyện.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu ngành y tế cần quan tâm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời để không xảy ra dịch lớn; giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế xã hội trên địa bàn; kiện toàn Ban Chỉ đạo. Sở Y tế đề ra phương án chuyên môn đối vời từng loại bệnh, áp dung công nghệ tiên tiến trong công tác dự báo và xử lý dịch, tiếp tục phối hợp báo chí để tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo đủ nguồn nhân lực, kinh phí, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Theo Daklak.gov.vn