Trí tuệ nhân tạo và Blockchain: Công nghệ hàng đầu trong cuộc Cách mạng 4.0
Ngày đăng: 10/06/2019 11:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/06/2019 11:03
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain được dự báo sẽ trở thành những công nghệ hàng đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế |
Chiều ngày 6/6, trong khuôn khổ sự kiện Vietnam ICT COMM 2019, Hội thảo chuyên ngành với chủ để “Ứng dụng công nghệ AI và Blockchain trong kết nối thị trường và thanh toán trực tuyến” đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn. Hội thảo do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng đại diện các đơn vị trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp, tập đoàn đang đẩy mạnh ứng dụng AI và Blockchain cùng gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự tiến bộ của KH&CN hứa hẹn là cuộc cách mạng tự động hóa thông qua khả năng tiếp cận thông tin số thay vì sử dụng một lượng lớn nguồn nhân lực để duy trì các quy trình sản xuất công nghiệp. “Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thể trở thành trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới, và là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo Thứ trưởng, trong số những công nghệ của cuộc cách mạng này, AI và Blockchain có nhiều tiềm năng ứng dụng để nâng cao hiệu quả kết nối thị trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngành tài chính, ngân hàng. Đó là do những công nghệ này đều hoạt động trên nguyên tắc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, có khả năng giải quyết những vấn đề của các ngành. Vì vậy, AI và Blockchain được dự báo sẽ trở thành những công nghệ hàng đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong nước như FPT, Vingroup, VNPT… đã có những bước khởi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng AI, Blockchain để nhanh chóng hòa nhập vào xu thế phát triển công nghệ của thế giới. Đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng, Việt Nam cần rất nhiều dữ liệu, tăng cường năng lực kết nối, sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp...
Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ trong nước đã có những bước khởi đầu nghiên cứu và ứng dụng AI để nhanh chóng hoà nhập vào xu thế chung của thế giới. Trong năm 2018, việc ứng dụng công nghệ Blockchain đối với một số sản phẩm nông sản xuất khẩu như xoài, thanh long của Việt Nam đã đem lại giá trị cao, tạo thương hiệu đặc trưng cho nông sản Việt.
Theo đại diện Công ty cổ phần Sao Bắc Đẩu, không chỉ riêng AI, nhiều doanh nghiệp Việt cũng tiến tới nắm bắt, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp mà cụ thể là trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Tuy nhiên, đại diện này cũng cho biết, nông sản Việt tuy đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, song giá trị xuất khẩu chưa thực sự cao. Nguyên nhân là do thiếu thông tin về thị trường, chất lượng sản phẩm không đồng đều, công nghệ chế biến hay bảo quản sau thu hoạch chưa đạt hiệu quả tối ưu. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đã mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
T.S. Park, Y.J, Trung tâm công nghệ thông tin Hàn Quốc, Cục Xúc tiến ngành công nghiệp công nghệ thông tin quốc gia (NIPA) nhận định, ứng dụng Blockchain và AI hiện đã có một số hiệu quả đáng ghi nhận, tuy nhiên để thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, Việt Nam cần dữ liệu và kết nối dữ liệu. Đây cũng là nhận định chung của đa số các đại biểu tham dự bởi dữ liệu đóng vai trò quyết định trong việc ứng dụng AI thành công hay thất bại. Dữ liệu là nguồn “dầu mỏ” quý giá của những người làm AI, nhất là người làm AI tại Việt Nam.
Ngoài ra, các diễn giả đã cùng nhau bàn luận để làm rõ các vấn đề như: Tại sao nói AI và Blockchain có thể trở thành công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0? Thanh toán điện tử đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như thế nào? Thực trạng và tiềm năng của thanh toán trực tuyến hiện nay? Công nghệ truy xuất nguồn gốc trong kết nối thị trường và thanh toán trực tuyến…
Theo Truyenthongkhoahoc