Trạm vũ trụ dưới mặt đất đầu tiên của Trung Quốc
Ngày đăng: 01/03/2024 09:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/03/2024 09:46
Cơ sở mới với khả năng mô phỏng 9 loại yếu tố môi trường trạm vũ trụ cho phép tiến hành nhiều thí nghiệm không gian ngay tại Trái Đất.
Trạm vũ trụ mặt đất do Trung Quốc xây dựng. |
Cơ sở hạ tầng Nghiên cứu và Mô phỏng Môi trường Vũ trụ (SESRI), được mệnh danh là trạm vũ trụ mặt đất đầu tiên của Trung Quốc, vượt qua quá trình đánh giá nghiệm thu tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, hôm 27/2.
"Thành tựu này đồng nghĩa rằng nhiều thí nghiệm trước đây phải được thực hiện ngoài không gian giờ có thể diễn ra ngay trên mặt đất", Li Liyi, người đứng đầu Viện nghiên cứu môi trường vũ trụ và khoa học vật liệu thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT), cho biết.
Trạm vũ trụ mặt đất do HIT và Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hợp tác xây dựng. Trong khu xây dựng, có 4 tòa nhà thí nghiệm gồm: môi trường vũ trụ toàn diện, khoa học plasma vũ trụ, khoa học môi trường từ tính vũ trụ và nơi nhân giống động vật.
Theo kế hoạch, trạm vũ trụ mặt đất có thể mô phỏng 9 loại yếu tố môi trường vũ trụ như chân không, nhiệt độ cao và thấp, các hạt mang điện, bức xạ điện từ, bụi không gian, plasma, từ trường yếu, khí trung tính và vi trọng lực. Trạm có thể giúp lý giải cơ chế và luật tác động của môi trường vũ trụ lên các vật liệu, thiết bị, hệ thống, thậm chí sinh vật sống.
So với việc đưa thiết bị và dụng cụ lên không gian, trạm vũ trụ mặt đất giúp tiết kiệm chi phí, giảm nguy hiểm, đồng thời cung cấp khả năng kiểm soát những yếu tố môi trường nhất định dựa trên các yêu cầu khoa học kỹ thuật. Điều này cho phép lặp lại các nghiên cứu nhiều lần mà không bị giới hạn về thời gian hay không gian.
Trạm vũ trụ mặt đất đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp, đào tạo nhân tài cao cấp ở Trung Quốc, theo Han Jiecai, học giả của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Trong tương lai, HIT sẽ liên tục tối ưu hóa các chỉ số kỹ thuật, nâng cao trình độ khoa học của trạm để đóng góp cho quá trình Trung Quốc trở thành một siêu cường vũ trụ.
Tính đến tháng 6/2023, nhiều nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế cạnh tranh để đăng ký sử dụng trạm vũ trụ mặt đất cho các thí nghiệm khoa học. Hơn 110 tổ chức đã ký hợp đồng, bao gồm hơn 30 quốc gia và khu vực.
Vnexpress