TP HCM khó tìm chuyên gia tư vấn cơ chế thử nghiệm công nghệ
Ngày đăng: 20/11/2023 08:33
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/11/2023 08:33
Khi thực hiện Nghị quyết 98, TP HCM khó tìm chuyên gia có kinh nghiệm thực tế để tư vấn xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các công nghệ mới.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nêu khó khăn trong thực hiện đề án cơ chế thử nghiệm công nghệ khi thực thi Nghị quyết 98. |
Thông tin được ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nói tại hội nghị giao ban khoa học công nghệ Đông Nam Bộ lần thứ 16 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Bình Dương, hôm 17/11.
Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho phép TP HCM được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo, hiệu lực từ 1/8.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Việt Nam thực tế chưa có tiền lệ. Trong khi đó ở Việt Nam có một số chuyên gia về lĩnh vực này, nhưng chủ yếu tham vấn ở góc độ lý thuyết, khó tìm được người có kinh nghiệm thực tế. Vì thế "chưa tìm thấy chuyên gia xây dựng chính sách sandbox nào phù hợp", ông nói và cho biết Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đang tham khảo nguồn tài liệu nước ngoài làm căn cứ xây dựng chính sách này.
Ông dẫn ví dụ về việc xây dựng cơ chế thử nghiệm máy bay không người lái, cần có giấy phép của hai đơn vị là Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và Cục Tần số (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ngoài ra, đơn vị có công nghệ cần thử nghiệm phải xác định vị trí, khu vực bay, tần số hoạt động, có các tiêu chí an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật... cần các cơ quan chuyên môn thẩm định. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho rằng, việc cấp phép, thẩm định cho thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái thuộc nhiều cơ quan, bộ ngành. Ở góc độ địa phương một số quy định trên không thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố, nên việc thực hiện chính sách gặp khó khăn.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Nghị quyết 98 mở ra cánh cửa đột phá cho TP HCM thực hiện các chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi ít nhiều sẽ gặp khó khăn, vì thế Bộ Khoa học Công nghệ sẽ đồng hành cùng TP HCM trong việc thực hiện Nghị quyết 98 thời gian tới.
Hồi tháng 8, Sở Khoa học Công nghệ TP HCM đề xuất một số công nghệ được phép thử nghiệm gồm xe điện không người lái, drone, công nghệ Lora, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo, robot tự hành, vi mạch, in 3D, công nghệ sinh học (trừ sản phẩm thử nghiệm trên người).
Theo đề xuất này, doanh nghiệp có công nghệ thử nghiệm được hỗ trợ pháp lý trong việc xin giấy phép trong thẩm quyền UBND TP HCM. Các giấy phép ngoài thẩm quyền, thành phố sẽ hiệp thương đơn vị liên quan để quyết định cho phép thử nghiệm.
Doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Công nghệ được thử nghiệm phải được thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Công nghệ phải được cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP HCM.
Vnexpress