TP.HCM: Tạo hệ sinh thái phát triển khoa học và công nghệ
Ngày đăng: 06/11/2018 09:30
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/11/2018 09:30
TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của cả nước, song doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN) của thành phố chiếm tỷ lệ ít, ứng dụng, đầu tư cho KH&CN chưa như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra, vì thế thành phố sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN.
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển giao, triển khai ứng dụng KH&CN cho cơ quan, đơn vị, DN |
DN KH&CN còn khó khăn
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn thành phố có trên 300 đề tài đã được nghiệm thu và gần 90% đề tài đã chuyển giao. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng có hiệu quả thấp, nguyên nhân theo ông Dũng là vì kinh phí nghiên cứu thấp. Kinh phí nghiên cứu 300 đề tài chỉ khoảng 200 tỷ đồng, như vậy 1 đề tài chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi ở Nhật Bản 1 đề tài thường có kinh phí lên đến 20 - 30 triệu USD.
Thành phố hiện có 46 DN KH&CN trên tổng số 300.000 DN. Nhiều DN hoạt động theo loại hình DN KH&CN nhưng không đăng ký vì thủ tục khó khăn, chính sách chồng chéo.
Đóng góp của thị trường KH&CN TP. Hồ Chí Minh mặc dù được xếp thứ 2 trong nhóm 9 ngành dịch vụ trọng điểm, với tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành KH&CN còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển do cơ chế, chính sách chưa theo tư duy cơ chế thị trường.Mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học với thị trường và DN còn lỏng lẻo. Vai trò của các tổ chức trung gian, nơi kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Thị trường KH&CN chủ yếu vẫn là mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch hàm lượng công nghệ cao.
Nhìn nhận kết quả áp dụng KH&CN vào sản xuất trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Sở KH&CN cần phải nhìn nhận vai trò “nhạc trưởng” trong phát triển KH&CN; ngoài nguồn vốn ngân sách cần phải phát huy vai trò của xã hội, DN nhiều hơn nữa cho hoạt động KH&CN.
Giải quyết những điểm nghẽn
Thực tế cho thấy, để các kết quả nghiên cứu mang lại hiệu quả đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội không hề đơn giản. Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, thời gian qua các quỹ đầu tư mạo hiểm có sẵn tiền nhưng họ ngại thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Năm 2017, TP. Hồ Chí Minh chỉ nhận được 290 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong khi thị trường đầu tư mạo hiểm vào KH&CN trong khu vực lên đến nhiều tỷ USD mỗi năm. “Do cơ chế, chính sách phức tạp nên nhiều nhóm nghiên cứu, khởi nghiệp đã sang Singapore thành lập DN vì ở đó thủ tục nhanh gọn, dễ dàng hơn. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải có chính sách hấp dẫn để nhà đầu tư rót vốn nhanh” - ông Dũng nhìn nhận.
Để thúc đẩy KH&CN phát triển, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, Sở KH&CN sẽ tiếp tục kết nối DN và các nhà khoa học để thực hiện đúng vai trò kiềng ba chân, thành phố sẽ có nhiều giải pháp thiết thực, trong đó phải hình thành tạo ra một hệ sinh thái phát triển KH&CN…
Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa Quỹ Phát triển KH&CN thành phố đi vào hoạt động; hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo Tapchigiaothong.vn