Tọa đàm khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển”
Ngày đăng: 15/07/2015 08:41
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/07/2015 08:41
Trong khuôn khổ chương trình Festival biển Nha Trang 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa với sự phối hợp của các nhà khoa học thuộc Diễn đàn toàn cầu Boston (Mỹ) tổ chức cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Cơ hội, thách thức và các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển”.
Một góc làng Hòa bình và Sáng tạo trong đồ họa thể hiện ý tưởng |
Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, trong không gian biển vốn là nơi sinh tồn của loài người, và cũng là nơi cạnh tranh các nền kinh tế đứng đầu thế giới với khoảng gần nửa dân số thế giới có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển... Việt Nam được coi là quốc gia ven bờ biển Đông có vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền với 3.263 km bờ biển (không tính bờ của trên 3.000 đảo), trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Trường Sa, và Hoàng Sa.
Với vị trí và không gian như vậy, biển Việt Nam hội đủ những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, nhưng cũng phải đối mặt với những tranh chấp về mặt chủ quyền biển đảo kéo dài và phức tạp. Đó cũng là lý do để Việt Nam luôn coi trọng và đặt vai trò đặc biệt của kinh tế biển trong chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đồng quan điểm trên, TS Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM cho rằng, biển Đông chính là thách thức lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế biển bởi đang có sự chuyển dịch không gian hàng hải và vùng kiểm soát quân sự giữa các nước, nên rất cần những giải pháp khoa học phân tích và hóa giải những thách thức về an ninh hàng hải, hướng tới sự ổn định tại khu vực biển Đông.
Cũng từ mệnh đề “cơ hội, thách thức và các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển ”, các bài tham luận của các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ tại cuộc tọa đàm đã có nhiều dẫn luận, đề cập đến việc chuyển đổi từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh” ở Việt Nam – cơ hội, thách thức và giải pháp! Không chỉ gợi mở những ý tưởng mang tính định hướng về phát triển bền vững kinh tế biển trên tầm quốc gia, nhiều nhà khoa học tham dự tọa đàm cũng đã dẫn ra những cứ liệu khoa học về kết quả đạt được, và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong tầm nhìn xa của tỉnh Khánh Hòa.
PGS –TS Võ Sĩ Tuấn ( Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang) đề cập về sử dụng tài nguyên hệ sinh thái phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển ở Khánh Hòa. TS Võ Sĩ Tuấn chia sẻ, tài nguyên từ đa dạng sinh học biển đã và đang đóng góp đáng kể cho GDP của tỉnh thông qua các hoạt động khai thác biển...
Tuy nhiên việc khai thác trực tiếp vào tài nguyên biển đang đặt Khánh Hòa vào thế đương đầu với vấn đề môi trường như: Mất mát và suy thoái hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, suy thoái cảnh quan biển và cả trên cạn... Vì vậy, việc khai thác để bảo đảm sinh kế của cộng đồng phải gắn đến trách nhiệm với lợi ích được hưởng từ thiên nhiên, bởi tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn!
Có mặt với tư cách các nhà khoa học yêu quý Việt Nam nói chung, và Nha Trang nói riêng, các nhà khoa học đến từ Diễn đàn toàn cầu Boston (Mỹ) cũng đã có những bài phát biểu đưa ra những ý tưởng và cả những giải pháp cụ thể nhằm góp phần cải thiện và thúc đẩy sự phát triển của Nha Trang, Khánh Hòa trong định hướng chiến lược kinh tế biển.
GS John Quelch (Trường kinh doanh Harvard) trình bày tham luận về giải pháp để Nha Trang thu hút các nguồn lực trí tuệ trên thế giới. TS Michael James Morris trình bày tham luận “Nha Trang, những nét đặc sắc trong văn hóa Á Đông”. Một số nhà khoa học Mỹ cũng đã tham gia tọa đàm trực tuyến, như GS Joseph Nye (đại học Harvard), bàn rất chi tiết về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam và Nha Trang.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu, đặc biệt là các đại biểu đến từ Diễn đàn toàn cầu Boston (Mỹ) đã rất quan tâm đến dự định của Khánh Hòa, sẽ xúc tiến xây dựng làng Hòa bình và Sáng tạo hợp tác cùng Diễn đàn toàn cầu Boston để thu hút nguồn lực trí tuệ về biển. Theo ý tưởng ban đầu, làng Hòa bình và Sáng tạo sẽ được xây dựng trên độ cao khoảng 300 mét ở núi Cù Hin (H. Cam Lâm) nhìn ra vịnh Nha Trang, với diện tích hơn 2.100 ha.
Theo các nhà khoa học, ngôi làng với rừng trầm, rừng mai đặc trưng Khánh Hòa sẽ không đơn thuần về kinh doanh, mà là không gian mang dấu ấn văn hóa của một ngôi làng Hòa bình và Sáng tạo, là nơi tổ chức các hội thảo khoa học, thu hút các nhà khoa học đến Khánh Hòa, Việt Nam để nghiên cứu.
Theo cadn.com.vn