Tọa đàm “Sáng tạo và phát triển đất nước”
Ngày đăng: 14/08/2015 09:11
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/08/2015 09:11
12/8/2015, tọa đàm “Sáng tạo và phát triển đất nước” do Ban Tuyên giáo trung ương và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức, với sự chủ trì của Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Phan Thanh Bình.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại tọa đàm “Sáng tạo và phát triển đất nước” sáng 12/8/2015 |
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết không chỉ tọa đàm tập trung vào mảng KH&CN, tới đây sẽ có những cuộc thảo luận về tự do học thuật...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu - bắt đầu ý kiến thảo luận với câu hỏi: “Mọi người thử nhìn xem trong căn phòng tọa đàm hôm nay có những đồ dùng gì là của Việt Nam? Từ điện thoại, micro, máy tính xách tay, máy chiếu... nhiều thứ không phải do Việt Nam sản xuất”. Theo phân tích của ông Nam, ở nước ta nền nông nghiệp gần như đã sử dụng hết quỹ đất, phương thức sản xuất thủ công dựa trên hộ gia đình, không có công nghệ nên khả năng tăng trưởng GDP từ nông nghiệp là không lớn. Còn các lĩnh vực dịch vụ có một số loại có thể tăng trưởng khá tốt, chẳng hạn như du lịch; nhiều loại dịch vụ khác cũng gặp khó khăn vì nước ta không có thế mạnh... Ông Nam cho rằng nếu không có sáng tạo công nghệ và công nghiệp thì đất nước ta vô cùng khó khăn để có thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, điều đáng buồn là năng lực về công nghệ, công nghiệp ở nước ta hiện nay. Sự thật là sản phẩm đầu ra cuối cùng của công nghệ và công nghiệp nước ta rất ít.
Tự chủ để khuyến khích sáng tạo
Giãi bày những tâm tư, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhìn nhận ở nước ta làm KH&CN với tư duy chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp ít quan tâm, xã hội lại càng không quan tâm. Đấy là tư duy sai lầm. Trên thế giới, đầu tư của xã hội và doanh nghiệp vào KH&CN rất lớn, như Hàn Quốc khu vực này đầu tư gấp 10 lần ngân sách nhà nước, Trung Quốc gấp 4 lần...
Ông Quân cũng nhìn nhận tư duy quản lý vô cùng lạc hậu. Hoạt động KH&CN phải được thúc đẩy bằng cơ chế quỹ, theo đó nhà khoa học, doanh nghiệp... có ý tưởng lúc nào thì cần “bơm” tiền ngay lúc đấy. Đừng để tình trạng có ý tưởng rồi một năm sau mới có tiền chi ra, phải qua nhiều tầng nấc và chờ đợi. “Không ai làm khoa học kiểu như thế cả” - ông Quân bức xúc.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để khuyến khích sáng tạo cần có tự do, tự chủ. Bà Hạnh đồng tình với các ý kiến cho rằng nếu vẫn cứ làm theo kiểu cũ sẽ không có đường sống nữa, mà phải đi tìm giá trị gia tăng bằng KH&CN, kể cả trong nông nghiệp.
Ông Lương Hoài Nam đề nghị Nhà nước cần có cách làm để doanh nghiệp thấy rằng đến với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước là có lợi. Cần mạnh dạn dùng cơ chế hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đến với cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, còn chỉ nói suông, nói miệng và không chi ra đồng nào thì họ sẽ không đến.
Ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh một trong những con đường lựa chọn tốt nhất cho đất nước phát triển theo chiều sâu là tập trung vào kinh tế tri thức, biến tri thức thành tiền. Theo ông, có những loại hàng hóa đến 99% giá trị của nó là chất xám. Đó là nhờ KH&CN.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đưa tinh thần đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: “Tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và của những người làm quản lý nói riêng về vai trò của KH&CN trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi đất nước hội nhập rất sâu rộng. Nếu chúng ta không có nhận thức đúng về vai trò của KH&CN, chắc chắn chúng ta sẽ không phát triển được”.
Có hai điểm đột phá trong lĩnh vực KH&CN cần hết sức quan tâm, đó là hệ thống doanh nghiệp cần phải đổi mới được một thế hệ công nghệ ngay trong năm năm tới. Nếu không làm được, chúng ta sẽ không có những sản phẩm đảm bảo chất lượng và có sức cạnh tranh với thế giới khi không còn hàng rào thuế quan (không còn sự bảo hộ của Nhà nước).
Đồng thời cần nhận rõ hệ sinh thái khởi nghiệp là rất quan trọng. Nếu không đưa tinh thần đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp và không bắt đầu được hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta sẽ không có những doanh nghiệp tiên phong, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành kinh tế và sẽ không đưa được những thành quả nghiên cứu khoa học đến với giới doanh nghiệp.
Chúng ta không có những định chế trung gian giữa nguồn cung và nguồn cầu công nghệ. Trong bốn khâu của thị trường công nghệ, chúng ta đã làm tương đối tốt hệ thống cơ chế chính sách, nhưng các tổ chức tham gia kết nối giữa viện - trường và doanh nghiệp gần như đang ở con số 0 như các tổ chức tư vấn, đánh giá, thẩm định, các quỹ đầu tư mạo hiểm...
Đấy là những điều làm doanh nghiệp và các viện, trường không hiểu nhau, không có ai giúp để hiểu nhau và đến được với nhau. Nếu chúng ta giải quyết tốt được định chế trung gian như nói trên sẽ giải quyết được bài toán liên kết giữa các nhà: khoa học, doanh nghiệp...
Theo Tuoitre.vn