Tìm giải pháp phát triển năng lượng tái tạo
Ngày đăng: 14/05/2018 08:57
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/05/2018 08:57
Ngày 11/5 tại TPHCM, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo động lực cho phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam".
Quang cảnh hội thảo. |
Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh phải thực hiện các biện pháp như tiết kiêm điện, đẩy mạnh các nguồn sản xuất điện thì phát triển năng lượng điện tái tạo có một vai trò vô cùng quan trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguồn năng lượng truyền thống của nước ta nói riêng và thế giới nói chung đang suy giảm dần do trữ lượng có hạn mà nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, kèm theo đó là việc tiêu thụ năng lượng này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) để bảo vệ môi trường, đảm bảo năng lượng phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã định hướng…
Theo đó, trong chiến lược phát triển NLTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ giai đoạn từ 2016-2020 sẽ đưa vào vận hành 3.603 MW; giai đoạn 2021-2025, đưa vào vận hành 6.290 MW; giai đoạn 2026-2030 đưa vào vận hành 15.190 MW.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết EVN là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, EVN đã xác định nghiên cứu và phát triển NLTT nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng nhằm tham gia đóng góp bổ sung nguồn điện xanh cho đất nước từ đó góp phần bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện tại, EVN và các đơn vị thành viên đang chuẩn bị quy hoạch cho 23 dự án với tổng công suất khoảng 2.525 MW. Về điện gió, hiện nhà máy điện gió tại đảo Phú Quý có công suất 6 MW; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình đã đưa vào vận hành dự án 24 MW và đang nghiên cứu phát triển 4 dự án có công suất 570 MW.
Tuy nhiên theo ông Trần Viết Nguyên, còn nhiều khó khăn và thách thức đối với phát triển NLTT. Cụ thể, các quy hoạch NLTT, điện mặt trời mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định được địa điểm dự án nên dẫn đến khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn thiết kế, vận hành đối với lĩnh vực NLTT còn thiếu, chưa đồng bộ.
Vì vậy, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện, đặc biệt là cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển NLTT; cần nhanh chóng có các chính sách ưu đãi về đầu tư như vốn, thuế, đất đai; nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành các nguồn NLTT hay tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn NLTT…
Các chuyên gia tại hội thảo đã phân tích một giải pháp đang được xem là đem lại lợi ích đa chiều hiện nay, đó là tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo. Với diện tích nuôi trồng thuỷ sản của nước ta nói chung và của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng tương đối lớn, nên việc kết hợp giữa một số dự án điện mặt trời với nuôi trồng thuỷ sản sẽ là động lực cho phát triển NLTT tại Việt Nam.
Cụ thể, mô hình tích hợp này sẽ tăng hiệu quả tổng thể lên gấp 2 lần, ước tính tăng thu nhập hàng năm khoảng 90.000-140.000 USD/ha (2-3 tỷ đồng/ha) từ đó tăng thu nhập cho các hộ dân và phát triển kinh tế nông thôn, có ý to lớn và lợi ích trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho các loài thuỷ sản.
Chia sẻ về dự án “Hệ thống điện mặt trời cấp điện cho trại tôm” đang được Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 xây dựng, ông Vũ Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm thủy điện cho biết hiện tại diện tích nuôi tôm sú của ĐBSCL chiếm 94,3% cả nước. Lượng điện cũng như cơ sở hạ tầng để cấp điện cho nuôi tôm cần đầu tư rất lớn và có bài bản. Tuy nhiên, mặc dù Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống này nhưng vẫn chưa kịp đáp ứng do nhu cầu đầu tư cải tạo tăng cao.
Vì vậy, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời (NLMT) và gió sẽ là một trong những giải pháp hữu hựu để đáp ứng nhu cầu điện cho ngành nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thuỷ sản nói chung.
Về giải pháp các dự án được xây dựng sẽ sử dụng hệ thống NLMT có nối lưới cấp điện cho phụ tải nuôi tôm. Khi đó, lượng điện NLMT phát dư nạp đầy bộ lưu điện sẽ được phát lên lưới theo cơ chế net-metering. Vào những ngày âm u hoặc khi bộ lưu điện không cấp đủ điện, nguồn điện lưới sẽ vừa cấp điện cho tải, vừa sạc bộ lưu điện.
Công nghệ sử dụng là tấm năng lượng mặt trời, PV Inverter, pin và bộ sạc. Dự kiến tổng mức đầu tư lắp đặt hệ thống NLMT 1 MWp vào khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo Chinhphu.vn