Tiết kiệm 32% lượng điện mỗi tháng nhờ phần mềm chiếu sáng thông minh
Ngày đăng: 15/03/2018 14:36
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/03/2018 14:36
Với việc ứng dụng phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh, ngoài việc đảm bảo khả năng giám sát từ xa, Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM) đã tiết kiệm được 32% lượng điện năng tiêu thụ mỗi tháng.
Mô hình trồng rau quả trong nhà màng ứng dụng IoT, Big Data và Cloud Computing đang được triển khai tại Công viên phầm mềm Quang Trung. |
Mục tiêu “nước rút” trở thành đô thị thông minh
Ngay từ năm 2016, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã chủ động ứng dụng công nghệ để giải các bài toán quản trị nội khu thông qua số hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật. Trong đó có hệ thống quản lý tài sản không gian GIS đối với nguồn điện, cấp thoát nước, cây xanh, lô đất, mạng lưới nhà ở…
Với phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh được đưa vào triển khai tháng 7/2017, đến nay QTSC đã đảm bảo khả năng giám sát và vận hành toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng từ xa một cách tự động. Từ khi ứng dụng hệ thống này, QTSC đã tiết kiệm được 32% lượng điện năng tiêu thụ mỗi tháng, tức đồng nghĩa giảm đi đáng kể lượng CO2 thải ra môi trường.
Trong khi đó, ứng dụng đồng hồ nước thông minh cũng đã giúp QTSC có thể quản lý được lượng nước tiêu thụ từ xa, giám sát quá trình bảo hành, bảo trì, thậm chí có thể phát hiện và cho ra cảnh báo, xác định địa điểm nước đang rò rỉ. Riêng hệ thống quan trắc online các chỉ tiêu nước thải tự động và liên tục không chỉ gửi số liệu quan trắc trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mà còn giám sát được mức độ ô nhiễm của nước thải sau khi đã được xử lý…
Đáng chú ý, QTSC đã phối hợp cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ tại đây xây dựng khu thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp dành cho các startups. Theo đó, các công nghệ trồng rau thủy canh trong nhà màng, trong các thùng container cũ hay robot trồng rau đều triệt để ứng dụng những thành tựu của IoT, điện toán đám mây hay Big Data khi đo đếm nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất để hệ thống trồng trọt tự động ra quyết định tưới nước, tưới phân, điều chỉnh ánh sáng v.v…
Các startups nông nghiệp tại đây hiện đã có thể hoàn chỉnh một quy trình công nghệ với giá thành có khi chỉ bằng 1/20 giá bán sản phẩm tương tự trên thế giới và bước đầu đã có người mua từ nhiều nước tìm đến (Úc, Hàn Quốc, Mỹ). Đây chính là động lực khiến các nhà quản trị tại QTSC vững tin hơn trước quyết định cùng “siết chặt tay” với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tiến thêm những bước xa hơn, tham vọng hơn với các dự án về giao thông thông minh hay nhà ở thông minh.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, từ khi đặt ra mục tiêu “nước rút” phải trở thành mô hình đô thị thông minh, Công viên phần mềm Quang Trung đã liên tục tiên phong triển khai nhiều giải pháp công nghệ, không chỉ để nâng cấp hoạt động quản trị tại chính QTSC mà còn nhằm tạo ra môi trường “thực nghiệm” cho nhiều doanh nghiệp công nghệ nơi đây.
Nắm giữ hơn 10 ứng dụng cho đô thị thông minh
Tất nhiên không phải mọi thí điểm về công nghệ tại QTSC đều thành công như mong đợi. Điển hình như dự án xây dựng “hệ thống xe đạp thông minh”, thân thiện môi trường đến nay vẫn chưa đi được bao xa vì nhiều khó khăn khách quan như: thiếu thốn nhà cung cấp với giá bán hợp lý, khâu chăm sóc bảo dưỡng xe cũng vướng mắc về nhân lực, trình độ của ngành cơ khí xe đạp trong nước vẫn chưa thể đáp ứng nhiều đòi hỏi của dự án…
Tuy nhiên, cũng theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, với thuận lợi đang nắm giữ hệ thống hạ tầng công nghệ viễn thông đã được thiết lập đầy đủ, cùng một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đông đảo nhất Việt Nam và khoảng 20 nghìn người đang học tập, làm việc trong ngành công nghệ, QTSC đã có đủ “môi trường” để xây dựng và thực nghiệm tất cả các giải pháp công nghệ trên thực tế.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ trương xây dựng thành phố thông minh của TPHCM, hiện QTSC đã có trong tay hơn 10 ứng dụng công nghệ đang được vận hành cho các hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ hạ tầng, giao thông, môi trường và đô thị. “Khi chắc chắn xác định những giải pháp này đã thành công thì QTSC sẽ quảng bá ra toàn xã hội”, ông Long cho hay.
Tất nhiên, với kinh nghiệm của mình, nhà quản lý QTSC thận trọng cho rằng thử nghiệm thành công cũng không có nghĩa là sẽ đưa ra thị trường thành công. Đó là lý do QTSC phải phối hợp với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ và đối tác khác nhau để có thể thúc đẩy tiến trình thương mại hóa các sản phẩm công nghệ một cách hiệu quả nhất.
Theo Chinhphu.vn