Tiếp thị cho sản phẩm OCOP
Ngày đăng: 23/08/2023 07:53
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/08/2023 07:53
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp tạo ra được nhiều sản phẩm địa phương vươn tầm, tiếp cận thị trường và khẳng định được giá trị cốt lõi của sản phẩm OCOP là chất lượng.
Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Kim Luyến tích cực tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh để tiệm cận hơn với người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, để sản phẩm tiêu biểu của tỉnh phổ biến hơn trên thị trường và có sức lan tỏa mạnh mẽ, cần một chiến lược tiếp thị sản phẩm đủ mạnh để thu hút người tiêu dùng.
Mở cửa thị trường cho sản phẩm OCOP
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao của 93 chủ thể OCOP trên địa bàn 57 xã, phường.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng nỗ lực không ngừng để nâng chất cho các sản phẩm OCOP. Bởi, các chủ thể OCOP của tỉnh đều nhìn nhận, sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận về chất lượng thì mới có thể “đi xa” được.
Cơ sở tinh bột nghệ Kim Luyến (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) hiện có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: trà gừng có đường, viên nghệ mật ong, tinh bột nghệ và tinh bột sắn. Bà Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở chia sẻ, đơn vị đầu tư máy móc sản xuất theo quy trình khép kín, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, cho sản phẩm chất lượng.
Khi tham gia OCOP, sản phẩm được đánh giá, giám sát, nâng cao chất lượng, đầu tư mẫu mã bao bì nên được nhiều người dùng biết đến hơn, lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Bình quân mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường 3 - 4 tấn sản phẩm các loại. Hiện nay đã có nhiều đơn hàng xuất đi Nhật Bản, Singapore, Malaysia theo đường tiểu ngạch.
Để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm OCOP, nhiều hoạt động cụ thể được ngành công thương địa phương đã và đang triển khai gồm: chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và xúc tiến thương mại địa phương hằng năm, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm...
Qua đó, nhiều chủ thể OCOP đã thụ hưởng và phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh từ các chương trình hỗ trợ trên như kết nối được đối tác, mở mạng lưới tiêu thụ cho sản phẩm.
Bà Lê Ngọc Thùy Diễm, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Núi Xanh Mart thuộc Công ty Thực phẩm sạch Núi Xanh, điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, đến hiện tại, cửa hàng đã kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hơn 60 sản phẩm vào bày bán.
Đơn vị cũng hướng tới việc mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm tiêu biểu của Đắk Lắk bày bán tại các tỉnh thành khác trong cả nước cũng như đưa hàng hóa của tỉnh bạn lên kệ hàng tại điểm bán ở Đắk Lắk nhiều hơn.
Cần chiến lược marketing đủ mạnh
Có sản phẩm chất lượng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của tỉnh đang hướng đến xây dựng các chương trình quảng bá, tiếp thị để được thị trường đón nhận nhiều hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, khâu tiếp thị sản phẩm tiêu biểu của địa phương cũng đối mặt với nhiều thách thức mà vấn đề lớn nhất là phương thức, chiến lược tiếp thị sản phẩm để có chỗ đứng trong các kênh phân phối, tham gia vào chuỗi giá trị.
Thực tế, không ít chủ thể OCOP thừa nhận, khâu tiếp thị sản phẩm với họ đang còn nhiều hạn chế nên sản phẩm chưa được bày bán phổ biến. Khâu này đang là “nút thắt” rất cần được tháo gỡ.
Nguyên nhân do các chủ thể OCOP chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nguồn vốn ít nên việc tiếp thị, tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, truyền thông cho sản phẩm còn hạn chế.
Không để những hạn chế, khó khăn trên cản bước, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) đã tìm tòi, xây dựng sản phẩm đủ “chín” về chất lượng, bảo đảm an toàn, chất lượng giữ nguyên vị nguyên bản của nông sản sấy. Sau đó, chủ động tìm cách tiếp thị sản phẩm một mặt bằng mẫu mã, bao bì bắt mắt, mặt khác hình thành nên những câu chuyện kể giới thiệu trên bao bì sản phẩm phù hợp để phát triển theo kênh quà tặng.
Chẳng hạn như, với sản phẩm sầu riêng sấy là câu chuyện lịch sử về hành trình “bén duyên” của loại nông sản này trên đất Tây Nguyên hay với sản phẩm Gạo lứt hữu cơ lại là câu chuyện văn hóa của người trồng lúa trên nương rẫy tại các địa phương của Đắk Lắk. Theo bà Hương, thông qua những câu chuyện kể gắn liền với văn hóa đặc trưng của vùng đất sẽ đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo thiện cảm và có sức thu hút hơn, song đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản và sáng tạo.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, để sản phẩm OCOP của tỉnh “lớn mạnh” và phát triển bền vững, cần có một chiến lược marketing đủ mạnh. Trong đó, việc quảng bá được thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng cho sản phẩm sẽ có sức kích thích người tiêu dùng tìm hiểu, chọn mua.
Do đó, yếu tố sáng tạo đóng vai trò quan trọng để xây dựng sản phẩm OCOP, cần tạo dựng sự cuốn hút bằng những câu chuyện sản phẩm gắn với truyền thống, văn hóa đặc sắc, mang sắc thái riêng thì cơ hội người tiêu dùng “để ý” và tiếp cận sẽ nhiều hơn. Thông qua những câu chuyện, sản phẩm dễ dàng được người dùng đón nhận.
Báo Đắk Lắk