Tiềm năng từ công nghệ thực tế ảo
Ngày đăng: 04/08/2014 18:08
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/08/2014 18:08
Tháng 3/2014, Mark Zuckerberg đã chi 2 tỷ USD để mua Oculus VR với tham vọng đưa công nghệ thực tế ảo từ giải trí vào ứng dụng cuộc sống, như giáo dục từ xa hay khám bệnh từ xa.
Oculus Rift hiện đang là chiếc kính thực tế ảo được lùng tìm nhiều nhất tính cho đến thời điểm hiện tại. |
Oculus VR là công ty thương mại chuyên nghiên cứu và sản xuất mắt kính giả lập thực tế ảo (gọi chung là thiết bị thực tế ảo) nhắm đến thị trường tiêu dùng. Trải nghiệm trên thiết bị Oculus phiên bản dành cho nhà phát triển (Oculus Development Kit) cho thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi của thiết bị này.
VR được đeo vào mắt người xem và trình chiếu phim hoặc hình ảnh độc lập có độ phân giải 1080p cho mỗi con mắt nhằm giả lập hiệu ứng 3D. Thông qua các kính lúp, hình ảnh được phóng to, cung cấp góc nhìn cực rộng (90 độ ngang và 110 độ dọc) cho người xem nhằm tạo hiệu ứng gần như thật nhất.
Ngoài ra, VR còn được lắp đặt bộ cảm ứng di chuyển có khả năng nhận biết khi người xem xoay đầu và thể hiện hình ảnh đúng theo góc nhìn mới. Những yếu tố này tạo sự khác biệt và cảm giác chân thật hơn cho người dùng khi chơi game. Những người lần đầu tiên dùng thiết bị có thể bị buồn nôn hoặc chóng mặt do chưa quen với cảm giác nhìn 3D và mất cân bằng khi xoay đầu hơi nhanh.
Ngoài giải trí, công nghệ thực tế ảo còn có tiềm năng ứng dụng trong đào tạo từ xa và hỗ trợ sinh viên tiếp cận tài liệu giáo dục một cách trực quan và sinh động hơn. Dự án Harlem của Đại học Arizona tại Mỹ là một ứng dụng điển hình của công nghệ thực tế ảo giúp các sinh viên tiếp cận môn Lịch sử theo cách mới. Dự án tái tạo lại Phố Harlem- New York những năm 1920 và cho phép sinh viên, thông qua thiết bị thực tế ảo, hòa mình vào cuộc sống để có cái nhìn cận cảnh về văn hóa và lịch sử thời bấy giờ.
Ngoài các ứng dụng trong dân sự, công nghệ thực tế ảo đã được nghiên cứu và ứng dụng hữu ích trong lĩnh vực quân sự. Đây là một yếu tố quan trọng trong hỗ trợ đào tạo và huấn luyện binh lính trong quân đội Mỹ thông qua hệ thống DST (Dismounted Soldier Training). Hệ thống DST cho phép giả lập nhiều tình huống chiến đấu khác nhau với các binh sỹ “ảo”, vũ khí - khí tài “ảo” và các yếu tố môi trường “ảo” để tăng kinh nghiệm chiến đấu, đồng thời giảm thương vong trong huấn luyện. Môi trường đào tạo ảo cho phép binh lính trải nghiệm các môi trường chiến đấu khác nhau, như sa mạc hoặc rừng rậm mà không cần phải đến đó, do đó giảm thiểu chi phí đào tạo.
Tiềm năng phát triển công nghệ thực tế ảo ở các lĩnh vực giải trí hay ứng dụng trong cuộc sống hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cách thức tương tác mới trong công nghệ. Sự tham gia của Sony với dự án Project Morpheus trình làng tại Hội chợ E3 2014 và việc Samsung chính thức nộp đăng ký thương hiệu cho thiết bị thực tế ảo Gear VR tại Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) vào ngày 12/6/2014 cho thấy thị trường thiết bị thực tế ảo sẽ sôi động và thu hút các nhà phát triển ứng dụng đi kèm.
Theo Chinhphu.vn