Thủ tướng nêu 3 đột phá, 4 trụ cột, 5 lưu ý với Bộ Khoa học và Công nghệ
Ngày đăng: 10/01/2018 14:12
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/01/2018 14:12
Nêu 4 yêu cầu chính là tính đổi mới, tính đột phá, thích ứng và tính bền vững trong chiến lược ngành bám sát chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh 4 trụ cột lớn cần đổi mới, 3 đột phá mà Bộ KH&CN cần tập trung và 5 lưu ý cần rà soát để triển khai hiệu quả hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương.
Hoan nghênh cách thức tổng kết công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với sự tham dự của đông đảo các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện, trường, tổ chức, các địa phương, nhất là có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị đã làm rõ hơn “cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì” để làm sao tạo điều kiện cho phát triển KHCN. “Tất cả 63 đồng chí giám đốc Sở KH&CN có mặt ở đây, có làm nòng cốt, tham mưu tốt cho tỉnh ủy, ủy ban trong việc phát triển KHCN ở địa phương các đồng chí hay không?”, Thủ tướng nêu vấn đề. “Qua hội nghị này, chúng ta rút ra những vấn đề như vậy”.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về nhiều sản phẩm KHCN thành công được giới thiệu tại Hội nghị, từ các vấn đề về hệ thống tài chính ngân hàng, y tế, công nghiệp xây dựng, thủy sản… Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn ít đề cập tới vấn đề mà xã hội đang quan tâm là “trên nóng dưới lạnh”, “mình nói từ hội trường này ra xã hội thì KHCN có vào được không?”.
Đánh giá cao các thành tích của Bộ KH&CN đã đạt được thời gian qua, góp phần tích cực vào kết quả chung của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo các hoạt động về KHCN. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã nhiều lần làm việc và có nhiều ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức trong ngành như làm việc với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TPHCM, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… cũng như tham dự nhiều sự kiện quan trọng của ngành.
Theo Thủ tướng, các hoạt động KHCN trong năm qua có nhiều tiến bộ. Tinh thần quốc gia khởi nghiệp phát triển và lan tỏa mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với nhiều không gian làm việc chung, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức kết nối hỗ trợ khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đến nay, chúng ta có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp.
Nhận thức về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng nâng cao, có thể kể tới như việc hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, phát triển xa lộ thông tin; phát triển Hệ tri thức Việt số hoá kết nối, chia sẻ hệ dữ liệu mở.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập như thị trường KHCN phát triển còn chậm. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh; chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ được thương mại hóa.
Việc phát triển KHCN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KHCN. Cơ chế tài chính còn bất hợp lý, ràng buộc sự phát triển. Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập vẫn còn lúng túng.
Phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo
Nêu 4 yêu cầu chính là tính đổi mới, tính đột phá, thích ứng và tính bền vững trong chiến lược ngành bám sát chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh 4 trụ cột lớn cần đổi mới, 3 đột phá cần tập trung và 5 lưu ý cần rà soát để triển khai hiệu quả hơn.
4 trụ cột chính cần đổi mới là gì? Thủ tướng chỉ rõ, thứ nhất, KHCN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, khi mà hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn ít. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn.
Thứ ba, tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có đột phá trong phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN, công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian để thúc đẩy thị trường công nghệ. “Một lần nữa chúng ta khẳng định, phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo”.
Thứ tư, KHCN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Nêu 3 đột phá cần tập trung, Thủ tướng chỉ ra, thứ nhất là đột phá về thể chế, chính sách. Vì với thể chế KHCN, cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa KHCN và tư duy thành lập mới tổ chức KHCN phải theo quy hoạch…
Thứ hai, đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KHCN. Chi 2% ngân sách Nhà nước cho KHCN phải sử dụng hiệu quả hơn, “đừng để tiền bạc thì lớn, mười mấy nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp”. Bộ KH&CN hoặc Hội đồng Chính sách KHCN cần trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách lớn, đặt hàng vĩ mô cho KHCN gắn liền với chất lượng sản phẩm của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, cần tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà Việt Nam đang cần. Phải huy động đầu tư của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp, thông qua các quỹ KHCN quốc tế, để có tỉ lệ đầu tư cho KHCN cao hơn. Có thể chế, cơ chế thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong sử dụng kinh phí.
Đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN, trong đó quan tâm đến 3 đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. “Cuối cùng con người là quan trọng nhất. Phải làm sao trí thức ủng hộ mình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng bày tỏ.
Khắc phục bệnh thành tích trong KHCN
Cùng với 4 trụ cột, 3 đột phá, Thủ tướng nêu ra 5 lưu ý cần rà soát, triển khai hiệu quả.
Thứ nhất, chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KHCN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ cao phải làm thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ hai, cần quan tâm triển khai vùng kinh tế trọng điểm dựa vào KHCN, đặc biệt các vùng có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, KHCN phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế trí thức của thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động các hạng cho các cán bộ, lãnh đạo của Bộ KH&CN. |
Thứ tư, bảo đảm tính bền vững trong hoạch định phát triển KHCN, lộ trình, bước đi, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương rõ hơn các nhiệm vụ cụ thể về KHCN.
Thứ năm, Thủ tướng lưu ý về phẩm chất đạo đức của cán bộ KHCN. Nhấn mạnh tạo cơ chế thoáng trong KHCN, Thủ tướng nêu rõ, phải khắc phục bệnh thành tích trong KHCN, bệnh không thiết thực, không vào cuộc sống của KHCN. Xây dựng Bộ KH&CN, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức KHCN của Bộ KH&CN khỏe mạnh cả tư chất, thể chất cũng như phẩm chất.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nguyên Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong, trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nguyên Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động các hạng cho các cán bộ, lãnh đạo của Bộ KH&CN.
Theo Chinhphu.vn