Thử nghiệm liệu pháp tế bào gốc đảo ngược tổn thương không thể phục hồi ở giác mạc
Ngày đăng: 31/03/2025 17:24
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/03/2025 17:24
Các tổn thương ở mắt gây hại cho giác mạc thường không thể phục hồi và gây mù lòa. Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng mới của các nhà khoa học Mỹ đã phục hồi được tổn thương này ở bệnh nhân nhờ cấy ghép tế bào gốc từ mắt khỏe mạnh của họ.
![]() |
Giác mạc là lớp ngoài cùng của mắt, tập trung ánh sáng vào võng mạc. Vì nằm ở tuyến đầu hứng chịu các mối nguy tiềm ẩn từ thế giới bên ngoài, giác mạc có một quần thể tế bào gốc biểu mô rìa giác mạc, giúp phục hồi các tổn thương nhỏ để giữ cho bề mặt giác mạc luôn mịn và hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, các tổn thương như bỏng nhiệt hoặc bỏng hóa chất có thể làm hỏng giác mạc do vượt quá khả năng chống chịu của các tế bào gốc này, thậm chí cả việc cấy ghép giác mạc cũng không phát huy tác dụng nếu tổn thương quá nghiêm trọng.
Các nhà khoa học tại Massachusetts Eye and Ear - Trung tâm Nghiên cứu thị lực và thính lực, đã triển khai phương pháp điều trị mới được gọi là CALEC. Theo đó, tế bào gốc từ mắt không bị tổn thương của bệnh nhân được lấy ra và nuôi cấy tại phòng thí nghiệm trong vài tuần, sau đó phẫu thuật cấy ghép chúng vào mắt bị tổn thương.
Thử nghiệm tiến hành thủ thuật cho 14 bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Họ được theo dõi trong 18 tháng sau đó. Thành công chủ yếu được đánh giá bằng hiệu quả phục hồi bề mặt giác mạc sau điều trị, trong khi một thử nghiệm bổ sung phân tích những cải thiện về thị lực.
Lần kiểm tra đầu tiên sau ba tháng, giác mạc của 7 người tham gia (50%) đã phục hồi hoàn toàn. Đến mốc 12 tháng, con số đó đã tăng lên 11 bệnh nhân (79%). Hai người tham gia khác phục hồi một phần giác mạc, do đó, nhóm nghiên cứu tuyên bố tỷ lệ thành công chung của phương pháp CALEC là 92%.
Trong nhóm tham gia, có ba người đã yêu cầu cấy ghép tế bào gốc lần thứ hai, trong đó một người đã đạt đến mốc thành công hoàn toàn vào cuối nghiên cứu. Trong các thử nghiệm về thị lực ở mắt bị tổn thương, phần lớn bệnh nhân đã lấy lại được một phần thị lực, một số người đã chuyển từ tình trạng mù hợp pháp (khi thị lực chỉ đạt 20/200) sang thị lực kém.
Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được cho là do thủ thuật này gây ra cho cả hai mắt của bệnh nhân. Thành công này mở đường cho các thử nghiệm tiếp theo với số lượng người tham gia đông hơn và thời gian theo dõi dài hơn, trước khi liệu pháp CALEC được đệ trình để Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) xem xét thông qua. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Vista.gov.vn