Thiết lập bản đồ công nghệ sẽ tạo đà cho Việt Nam phát triển
Ngày đăng: 20/06/2016 10:14
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/06/2016 10:14
Trên cơ sở bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ đã được xây dựng sẽ giúp trả lời câu hỏi cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường nào trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng |
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đi được những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cho lĩnh vực đầu tiên là chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo. Để mọi người hiểu rõ hơn về việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.
Trong cuộc nói chuyện này, ông Trần Văn Tùng sẽ cho chúng ta biết thêm các bước triển khai công việc này, đồng thời ông cũng cho biết về mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Đã có phương pháp thiết lập bản đồ công nghệ cho các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam
Thưa thứ trưởng, với các nước phát triển, việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ không còn quá xa lạ, nhưng ở Việt Nam, việc này mới chỉ bắt đầu. Với tư cách là lãnh đạo Bộ KH&CN, ông có thể cho biết việc xây dựng bản đổ công nghệ và lộ trình công nghệ ở Việt Nam đã được triển khai như thế nào?
Tên của Hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” vừa được tổ chức đã nói lên nhiều điều về vấn đề mà bạn đặt ra. Hội thảo đặt ra mục tiêu trao đổi các kết quả của quá trình nghiên cứu, phương pháp luận, cách thức xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ. Cần hiểu rằng, nói đến bản đồ công nghệ là chúng ta đang nói đến hiện trạng công nghệ của từng ngành, từng lĩnh vực của Việt Nam.
Lộ trình công nghệ là lộ trình phát triển để có thể sản xuất ra một sản phẩm thì phải đi theo một con đường như thế nào, mong muốn sản phẩm đó đạt được chất lượng, năng suất, tính cạnh tranh ra sao và bằng công nghệ nào để có thể đạt được những mong muốn đó.
Nhận thức được vai trò quan trọng của bản đồ công nghệ, năm 2005 Bộ KH&CN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính cấp thiết của việc xây dựng bản đồ công nghệ cho một số ngành quan trọng của Việt Nam. Đề xuất của Bộ KH&CN đã được hiện thực hóa thông qua chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2013, Bộ KH&CN đã giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ xây dựng phương pháp chung để thiết lập bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ. Sau 2 năm nghiên cứu, Cục đã xây dựng thành công phương pháp thiết lập bản đồ công nghệ cho các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam và tiến hành thử nghiệm xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành sản xuất khuôn mẫu. Trên cơ sở phương pháp chung đã được nghiên cứu thành công, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương đã tiến hành xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cho lĩnh vực chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.
Với riêng ngành lúa gạo thì bản đồ công nghệ đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Riêng đối với ngành lúa gạo, đổi mới công nghệ đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác là lực lượng lao động, quỹ đất ngày một giảm đi, đặc biệt trong ngành sản xuất lúa gạo. Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ đã đưa lúa gạo nước ta không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn ở trong top 3 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Đó là điều rất có ý nghĩa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cần có những chiến lược đổi mới, phát triển công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nền nông nghiệp từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị gia tăng cao.
Chính vì vậy, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn giao cho các đơn vị tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức triển khai xây dựng cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo cho đến việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Tầm quan trọng của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ
Người ta vẫn nhắc đến bản đồ công nghệ và lộ trình xây dựng bản đồ công nghệ, điều đó có ý nghĩa như thế nào đến việc phát triển một ngành, một lĩnh vực, thưa ông?
Với bản đồ công nghệ, việc phát triển cây lúa sẽ được đầu tư mạnh mẽ với việc lựa chọn công nghệ tối ưu |
Có thể thấy, xây dựng bản đồ công nghệ là một cách tiếp cận phù hợp trong việc đánh giá toàn diện, khách quan hiện trạng, năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cụ thể là chọn tạo, sản xuất giống lúa trong nông nghiệp. Thông qua bản đồ công nghệ, có thể nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề như "Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu?", "khoảng cách của chúng ta so với các nước ra sao?", "chúng ta có thể sản xuất được sản phẩm nào ở trong phân khúc thị trường nào?", "năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đến đâu và đáp ứng như thế nào đối với yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm?"...
Trên cơ sở bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ đã được xây dựng có sức thuyết phục và tính khả thi cao trong việc giúp trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường nào trong tương lai... Từ việc giải quyết các vấn đề trên, các nhà khoa học có thể đưa ra giải pháp cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể nào trong các hoạt động như nghiên cứu các cấp, chuyển giao công nghệ hay đầu tư, mua bán sáp nhập,…
Qua quá trình thực hiện bản đồ công nghệ cho ngành lúa gạo, chúng ta có thể nhìn thấy rõ một chuỗi sản xuất hiện nay đang dùng công nghệ gì, năng lực như thế nào, đặc biệt là giống lúa. Cũng từ bản đồ công nghệ, chúng ta có thể so sánh công nghệ của mình với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và nếu ngành lúa gạo vươn lên đứng đầu thế giới thì chúng ta cần phải đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng nào, đồng thời vấn đề, định hướng nghiên cứu, nguồn lực, nhiệm vụ khoa học nào sẽ được đặt ra…
Có ý kiến cho rằng trước sức ép của hiệp định TPP, sức ép của diễn biến tình hình biến đổi khí hậu đang đặt ra vấn đề cấp thiết cho việc đổi mới công nghệ, xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình này cần phải có thời gian, vậy ông có thể cho biết, lộ trình công nghệ này có đảm bảo được trước sức ép này không?
Đây là vấn đề mới, trong quá trình làm phải cập nhật, mời các chuyên gia trong và ngoài nước, xây dựng các nội dung phù hợp với Việt Nam. Cần xác định, đây không phải bài toán đơn giản. Việc này đối với các nước khác trên thế giới thực hiện mất khoảng vài chục năm trên cơ sở dữ liệu rất đáng tin cậy. Ở Việt Nam công việc này mới chỉ bắt đầu, và bắt đầu từ xây dựng cơ sở dữ liệu mặc dù đất nước ta sản xuất lúa gạo từ rất nhiều năm rồi.
Bản đồ công nghệ đóng vai trò hoạch định chiến lược, giúp chúng ta nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề như: Ta đang sở hữu những công nghệ nào?, khoảng cách của chúng ta so với các đối thủ cạnh tranh ra sao?, chúng ta có thể sản xuất được sản phẩm nào?, ở phân khúc thị trường nào?, năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu đến đâu và đáp ứng như thế nào đối với yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm.
Trên cơ sở bản đồ công nghệ đã được xây dựng, chúng ta có thể xác định lộ trình công nghệ mình cần tập trung phát triển sản phẩm nào?, phát triển như thế nào?, cần những công nghệ gì?, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể nào như các nhiệm vụ nghiên cứu các cấp, chuyển giao công nghệ hay đầu tư, mua bán sáp nhập.
Theo Khampha.vn