Thiết bị điều chế dược chất hỗ trợ chẩn đoán ung thư xương
Ngày đăng: 26/10/2020 10:41
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/10/2020 10:41
Thiết bị do nhóm nghiên cứu Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội chế tạo có thể tạo dược chất phóng xạ 18F-NaF trong 12,5 phút, giúp rút ngắn thời gian chẩn bệnh.
Module chế tạo dược chất phóng xạ 18F-NaF của nhóm nghiên cứu. |
Với các bệnh nhân ung thư xương, bình thường việc phát hiện sớm và toàn diện các di căn xương nếu chỉ sử dụng kỹ thuật X- quang sẽ rất khó khăn. Dùng dược chất phóng xạ cho chụp xạ hình xương có thể phát hiện sớm hơn các ung thư di căn vào xương 3 đến 6 tháng.
Nhận thấy nhu cầu thực tế, năm 2016 Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài nghiên cứu, chế tạo module tổng hợp và điều chế dược chất phóng xạ 18F-NaF. Sau 4 năm, thạc sĩ Trần Mạnh Thắng và cộng sự tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã chế tạo thành công module tổng hợp, điều chế dược chất phóng xạ 18F-NaF cho kết quả chỉ trong 12,5 phút.
Dược chất này thường dược dùng để trong chẩn đoán di căn xương của tế bào ung thư và đánh giá các trạng thái sinh lý, chuyển hóa và trao đổi chất các bệnh xương khớp.
Khi tiêm vào cơ thể người bệnh, dược chất sẽ tập trung vào hệ thống xương, những vùng đang tăng trưởng mạnh hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, xuất hiện khối u ác tính (nguyên phát hay di căn) sau chấn thương hoặc viêm xương. Từ đó hỗ trợ bác sĩ đánh giá giai đoạn ung thư, mức độ di căn và phác đồ điều trị.
Bình thường rất khó nhập khẩu dược chất này do có chu kỳ bán rã ngắn (thời gian biến đổi tính chất nhanh) nên chỉ có thể sản xuất trong nước, những nơi có máy gia tốc Cycloton. Tuy nhiên, các máy gia tốc chỉ phục vụ điều chế dược chất phóng xạ Tc-99m (MDP) để chẩn đoán khối u, chưa có thiết bị điều chế 18F-NaF.
"Mục tiêu quan trọng khi chế tạo module của nhóm là giúp bác sĩ rút ngắn thời gian phát hiện các ung thư di căn vào xương, hỗ trợ người bệnh giảm chi phí điều trị nhờ sử dụng dược chất phóng xạ. Đồng thời phát triển các kỹ thuật chẩn đoán mới cho ngành y học hạt nhân", ThS Thắng nói.
Module tổng hợp của nhóm nghiên cứu có trọng lượng 40 kg, được thiết kế gồm hai phần chính là hệ thống điều khiển gồm bo mạch điện tử, mạch đo dòng điện và điều khiển động cơ. Phần mềm có chức năng đo hoạt độ phóng xạ, tính toán hiệu suất và độ ổn định khi dược chất được tổng hợp và điều chế.
Thiết bị được hoạt động dựa trên phản ứng trao đổi ion, trải qua 14 chu trình điều chế, tạo dược chất phóng xạ 18F-NaF là dung dịch trong suốt không màu, không có mùi lạ, độ tinh khiết hạt nhân đạt 100% (là yếu tố đánh giá hoạt độ phóng xạ của dược chất).
Các kết quả về độ pH, tính vô trùng của dược chất đều đạt tiêu chuẩn theo dược điển Mỹ, đảm bảo an toàn bức xạ. Đặc biệt, hình ảnh chụp cắt lớp (PET) sử dụng 18F-NaF rõ ràng hơn, cho độ nhạy và độ phân giải cao gấp hai lần so với hình ảnh chụp với chất phóng xạ Tc-99m (MDP).
Module của nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 99% về mặt kỹ thuật, Bộ Y tế đang kiểm định và đánh giá chất lượng. "Sau khi được đánh giá toàn diện, nhóm dự kiến sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo module và điều chế dược chất này cho bệnh viện Đà Nẵng", ThS Thắng nói.
Đây là dung dịch dạng tiêm nên nhóm dự định thử nghiệm nhiều mẫu tiền lâm sàng, từ đó có đủ cơ sở đưa vào thử nghiệm lâm sàng với buồng ngăn bức xạ hạt nhân của các trung tâm Cyclotron khác.
Theo Vnexpress