Thiết bị diệt nCoV trong phòng kín
Ngày đăng: 30/09/2021 11:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/09/2021 11:22
Thiết bị do TS Nguyễn Phan Kiên chế tạo tự động tạo ozone để bất hoạt nCoV và các vi khuẩn khác trong không khí và bề mặt phòng.
Thiết bị diệt virus trong phòng kín đặt thử nghiệm tại Bệnh viện 103. |
Thiết bị do TS Nguyễn Phan Kiên, Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo nhìn bề ngoài giống điều hòa không khí. Máy được thiết kế gồm bàn phím, màn hình hiển thị, hệ thống vi điều khiển, modul tạo ozone, hệ thống tạo nhiệt, còi, đèn cảnh báo và màng lọc khí. Thiết bị đặt trên giá nên có thể di chuyển từ phòng này sang phòng khác hoặc tới các khu vực mới phát hiện người nhiễm Covid-19. Một phòng khử khuẩn cần thời gian khoảng hai giờ.
Khi hoạt động, máy dùng một chiết áp xoay để nhập dữ liệu kích thước phòng, sau đó sẽ tự động tính toán nồng độ ozone cần tạo tương ứng. Hệ thống vi điều khiển khi đó sẽ truyền các dữ liệu đến các modul để tạo ozone. Tiếp theo, quạt gió sẽ được bật để tạo luồng khí ozone phun vào trong phòng. Hệ thống vi điều khiển sẽ khống chế thời gian phun và nồng độ tạo ozone trong phòng.
Khi hết thời gian diệt khuẩn, thiết bị sẽ hạ nồng độ ozone trong phòng xuống bằng công nghệ nhiệt, biến đổi ozone thành oxy trước khi báo hiệu kết thúc chu trình khử khuẩn.
Máy có thể dùng trong các bệnh viện, phòng học, xe khách, máy bay, khu vệ sinh công cộng, khử khuẩn thiết bị y tế... Tuy nhiên, "nhược điểm của thiết bị là không thể khử khuẩn khi có người trong phòng", TS Kiên nói.
Thiết bị hiện được đặt thử nghiệm tại Bệnh viện Quân y 103. Ngày 23/9 Bộ môn - Khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 103 đã thử nghiệm khả năng diệt khuẩn của máy bằng cách dùng tăm bông vô trùng lăn toàn bộ bề mặt của một vị trí trên mỗi đĩa petri rồi đưa vào ống nghiệm. Các đĩa này đặt trên bàn làm việc.
Sau 24 và 48 giờ máy làm việc, nhóm nghiên cứu kiểm tra thấy không còn bất kỳ loại vi khuẩn nào sống sót trong các mẫu. Kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn trong các mẫu không khí sau thử nghiệm khử nhiễm bằng máy tạo ozone cho thấy không có bất cứ loại vi khuẩn nào tồn tại, chỉ còn một số nấm mốc nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Thái Sơn, Trường Bộ môn - Khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, mục đích của máy này là diệt nCoV - virus không có bào tử nên các virus chỉ điểm đưa vào thử nghiệm được chọn theo nhóm này (chọn virus có sức đề kháng cao nhất). "Máy đã diệt được virus chỉ điểm đồng nghĩa cũng diệt được nCoV", ông nói.
PGS Sơn cho biết, máy có thể đưa ngay vào ứng dụng để diệt virus trên các thiết bị y tế là đồ bảo hộ y tế, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, mũ... Thay vì thải bỏ ra môi trường, chỉ cần đưa các đồ dùng này vào phòng kín, bật máy diệt virus lên là có thể tái sử dụng an toàn. Sau dịch Covid-19, có thể sử dụng thiết bị để diệt khuẩn ở các cơ sở y tế, nơi có nguy cơ nhiễm khuẩn...
Ông Sơn cũng nêu điểm yếu của máy là chưa diệt sạch được nấm mốc do cấu tạo vách nấm rất khó xuyên thấu. "Muốn diệt cả nấm mốc thì phải tăng lượng ozone lên, nhưng tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến các thiết bị khác", ông Sơn nói.
TS Nguyễn Phan Kiên cho biết, sau khi có kết quả thử nghiệm sẽ gia công hoàn thiện mẫu mã, kêu gọi đầu tư để thương mại hóa sản phẩm, sớm đưa ra thị trường phục vụ công tác phòng chống Covid-19.
Hiện các công bố khoa học chứng minh khả năng bất hoạt được nCoV có các công nghệ bao gồm ozone, UVC, plasma và một số nguyên lý máy lọc không khí có khả năng diệt virus.
Các thiết bị lọc không khí và khử khuẩn của một số hãng đang có trên thị trường hoạt động trên nguyên lý hút không khí bẩn vào, lọc giữ lại virus và diệt bằng các công nghệ khác nhau trong đó có sử dụng tia UV hoặc hoá chất. Một số thiết bị dùng để khử trùng phòng phẫu thuật và thiết bị tại các bệnh viện cũng dùng hoá chất.
Thiết bị này của nhóm nghiên cứu không dùng hóa chất phun lên bề mặt, vì thế sau khi khử khuẩn không cần phải lau chùi lại bề mặt thiết bị và không ảnh hưởng đến thiết bị y tế đắt tiền trong các bệnh viện.
Theo Vnexpress