Tháo gỡ nhiều vấn đề về khoa học
Ngày đăng: 19/01/2017 14:00
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/01/2017 14:00
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2016. Buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ KH&CN quý IV/2016 và những định hướng hoạt động năm 2017.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây như việc xử lý đơn sở hữu trí tuệ, cơ chế chính sách đẩy mạnh sự phát triển của khoa học công nghệ trong năm 2017, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học, hỗ trợ cho doanh nghiệp từ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025″…
Trước câu hỏi, tại sao hiện nay việc xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ còn chậm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nguồn lực của Cục Sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội cũng như của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, trên cơ sở đó sẽ tự động hóa một số công đoạn tra cứu và sẽ cung cấp một cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ để phục vụ xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ của mình có kết quả tốt, người nộp đơn trước khi tiến hành đăng ký nên tra cứu sơ bộ, đánh giá sơ bộ đối tượng mình nộp. Quyền sở hữu trí tuệ không được phép trùng cho nên nếu như không xem xét thì rủi ro trùng với những đối tượng đã đăng ký trước hoàn toàn có thể xảy ra. Để tránh bị trùng lắp, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, họ sẽ tra cứu đánh giá xem xét sơ bộ cho doanh nghiệp trước khi nộp đơn.
Về vai trò của Bộ KH&CN trong vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Bộ KH&CN cho hay, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, vấn đề nông nghiệp công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì nhưng vấn đề này cũng liên quan đến rất nhiều các Bộ, ngành khác. Bộ KH&CN với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, sẽ hỗ trợ các mặt về công nghệ và chuyên gia. Đặc biệt, vào tháng 11/2016, Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết một chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, trong đó có nội dung liên quan đến chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Liên quan đến vấn đề, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào nút thắt nào của thể chế để đẩy mạnh sự phát triển của KH&CN trong năm 2017, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết, trong năm 2017, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển. Hiện nay, mặc dù Luật KH&CN đã ra đời, tuy nhiên các luật khác chưa thực sự khớp nhịp với Luật KH&CN, ví dụ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết tình trạng này.
Ông Duy cho rằng, các quy định liên quan đến mua sắm tài sản trong khuôn khổ triển khai nhiệm vụ KH&CN hiện nay đều dùng một hình thức là đấu thầu như tất cả các hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước khác, do đó đã làm cho việc triển khai các hoạt động KH&CN chậm đi rất nhiều. Mặt khác, trước đây kinh phí và tài sản để phục vụ triển khai các hoạt động KH&CN xuất phát từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung cho các khu vực công (viện nghiên cứu, trường đại học…) như vậy tài sản sau khi kết thúc vẫn là tài sản công và giao cho các đơn vị đó. Nhưng một dự án nghiên cứu khoa học tài trợ cho một doanh nghiệp nếu áp dụng tất cả cơ chế của quản lý tài sản công thì có những điểm không phù hợp. Các vấn đề quản lý tài sản công, mua sắm đấu giá, giao quyền sử dụng các kết quả KH&CN… cần phải có một cơ chế thông thoáng thuận lợi hơn.
Ngoài ra, trong năm 2017, Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến khoa học và công nghệ để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020…
Theo Báo Công Thương