Thành lập liên minh vaccine ngừa SARS-CoV-2
Ngày đăng: 05/06/2020 08:30
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/06/2020 08:30
Giới chức Hà Lan cho biết 4 nước Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine trên đất châu Âu nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ảnh minh họa |
Trong tuyên bố tại La Haye ngày 3/6, Bộ Y tế Hà Lan nhấn mạnh 4 nền kinh tế lớn nhất châu lục đang hợp lực nghiên cứu các sáng kiến phát triển vaccine đầy triển vọng cũng như đang thảo luận với các công ty dược phẩm nhằm bảo đảm có đủ vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thu nhập thấp tại châu Phi.
Mục tiêu của liên minh vaccine này là nhằm cho phép sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2 ở bất kỳ nơi nào có thể tại châu Âu. Việc hợp tác 4 nước cùng với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm được kỳ vọng sẽ có thể giúp gặt hái những kết quả tốt nhất và nhanh nhất từ những sáng chế vaccine đầy tiềm năng.
Tuyên bố của Bộ Y tế Hà Lan cũng nêu rõ, Đức, Pháp, Italy và Hà Lan tin rằng muốn việc này thành công đòi hỏi một chiến lược và nhiều vốn đầu tư chung.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa với việc Italy là nước đi đầu mở cửa biên giới cho người dân châu lục này. Trong khi đó, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo chung về việc đi lại vào ngày 15/6 tới và Hà Lan cũng lên kế hoạch thực hiện bước đi tương tự phù hợp với các chỉ dẫn của EU.
Trước đó, ngày 2/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động tiến trình cải cách về sản xuất dược phẩm nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt vaccine, kháng sinh và giúp các mặt hàng này sẵn có hơn.
Cuộc cải cách, với các chi tiết sẽ tiếp tục được đưa ra từ nay đến cuối năm, sẽ xem xét các ưu đãi và yêu cầu đối với các công ty dược phẩm khi đưa thuốc mới ra thị trường nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung.
Động thái trên được đưa ra khi EU tiếp tục các nỗ lực chống đại dịch COVID-19, nhưng các nỗ lực của họ đã bộc lộ một số thiếu sót về chăm sóc y tế và sự phụ thuộc của khối vào nguồn cung cấp thuốc và dược chất thiết yếu từ nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 cho thấy EU cần hiện đại hóa cách bảo đảm quyền tiếp cận thuốc cho người dân của mình. Tài liệu của EC cũng chỉ ra sự thiếu hụt và cơ hội tiếp cận bất bình đẳng đối với thuốc là các vấn đề chính cần phải giải quyết.
Tuần trước, EU vừa đề xuất một gói ngân sách trị giá 9,4 tỷ euro (10,5 tỷ USD) cho đến năm 2027 để hỗ trợ những cải cách này.
Lâu nay, EU thường xuyên ở trong tình trạng thiếu thuốc và đại dịch COVID-19 xảy ra càng làm cho vấn đề này trở nên trầm trọng do các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, trong khi các nước cung cấp thuốc cho khối tạm thời hạn chế việc xuất khẩu một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và vaccine- vốn là những loại thuốc thiết yếu mà EU thường thiếu.
Hàn Quốc chi hơn 82 triệu USD nghiên cứu vaccine
Liên Bộ Y tế-Phúc lợi (MoHW) và Khoa học, Công nghệ thông tin-Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) ngày 3/6 đã tổ chức họp với Nhóm hỗ trợ phát triển vaccine phòng COVID-19 để lên kế hoạch cụ thể sau khi Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày nhất trí về khoản ngân sách bổ sung lần 3 cao kỷ lục với trên 82 triệu USD.
Trước mắt, Chính phủ Hàn Quốc đang đặt mục tiêu phát triển huyết tương điều trị COVID-19 trong năm nay. Liệu pháp huyết tương liên quan đến việc truyền huyết tương giàu kháng thể từ những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được điều trị hồi phục hoàn toàn.
Với gói ngân sách bổ sung lần 3, Nhóm hỗ trợ phát triển vaccine sẽ được hỗ trợ 100 tỷ won (hơn 82 triệu USD) để chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và các thử nghiệm lâm sàng liên quan.
Về thuốc điều trị, Nhóm sẽ tập trung vào 3 hạng mục chiến lược là huyết tương, kháng thể, và tái định vị thuốc (tức là mở rộng phạm vi sử dụng y dược phẩm có sẵn) để phát triển thuốc điều trị COVID-19.
Về vaccine, Hàn Quốc hiện đặt mục tiêu hoàn thành nghiên cứu phát triển đến nửa cuối năm 2021, dự kiến bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ngay trong năm nay với 3 "ứng cử viên" là vaccine kháng nguyên tổng hợp của công ty Khoa học Y sinh SK, các vaccine DNA do 2 công ty Inobio và Genexine phát triển.
Vaccine của Nga có thể được sử dụng trước cuối 2020
Ông Sergei Borisevich, Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học Trung ương số 48, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, trong cuộc phỏng vấn với báo Sao đỏ ngày 2/6 cho biết các chuyên gia Viện này đã hoàn tất thành công các thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine ngừa SARS-CoV-2 trên khỉ và chuột.
Theo ông Borisevich, hiện 50 tình nguyện viên đã được chọn để thử nghiệm vaccine ở người, gồm 45 nam và 5 nữ từ 25-50 tuổi. Một nhóm các tình nguyện viên đã đến một cơ sở đặc biệt để kiểm tra y tế trước thí nghiệm.
Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo, các chuyên gia của Viện sẽ kiểm tra xem vaccine có an toàn với người hay không cũng như khả năng hấp thụ tới mức nào.
Trước đó, ông Ivan Vasilenko, Tiến sỹ hóa học, Giáo sư Viện Công nghệ sinh hóa và Công nghệ nano, Đại học Tổng hợp hữu nghị giữa các dân tộc Nga (RUDN), cho biết vaccine của Nga có thể được sử dụng trước cuối năm 2020.
Theo Chinhphu.vn