Thành công bước đầu của Đề án Silicon Valley Việt Nam
Ngày đăng: 06/10/2014 08:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/10/2014 08:01
Toàn cảnh Demo Day |
Ngày 04/10, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường KH&CN phối hợp tổ chức “Ngày hội đầu tư” (Demo Day Summer 2014). Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tham dự sự kiện.
Sự kiện được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp thuộc Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” (Đề án) gặp gỡ trực tiếp và tìm kiếm cơ hội nhận đầu tư từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong khoảng 4 tháng vừa qua, Đề án đã tổ chức thành công mô hình Tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp (VSVA) để hỗ trợ 9 nhóm khởi nghiệp tiềm năng theo một quy trình huấn luyện tập trung. VSVA đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều tổ chức lớn trong và ngoài nước như Ngân hàng Quốc tế VIB, Angle Lab (Hoa Kỳ), Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG, Quỹ đầu tư Venture Partner (Hoa Kỳ),...
9 nhóm khởi nghiệp ra mắt tại Demo Day
Trước khi tham dự Demo Day, 9 nhóm khởi nghiệp đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hơn 100 hồ sơ đăng ký. Họ đã nhận được vốn gieo mầm và trải qua 4 tháng huấn luyện trong Tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Sau quá trình tập huấn nói trên, các nhóm khởi nghiệp đã hoàn thiện ý tưởng và mô hình kinh doanh, đã có sản phẩm, thị trường và sẵn sàng nhận đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
9 nhóm khởi nghiệp với các sản phẩm được Đề án hỗ trợ gồm: (1) CHOMP cung cấp giải pháp truyền thông, quảng cáo trên mạng xã hội một cách sáng tạo, hiệu quả bằng việc tạo ra hệ thống kích hoạt mệnh đề chứa dấu thăng (#); (2) Astro Telligent với giải pháp tuyển dụng nhân sự trên nền tảng đám mây, tiết kiệm thời gian, tài chính, phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp; (3) CSK với phần mềm dịch vụ điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng tỷ lệ duy trì khách hàng theo cấp số nhân, tăng tỉ lệ bán thông qua các kênh kĩ thuật số có tính năng kết nối tự động; (4) Olymsearch: xóa bỏ những trải nghiệm mua sắm trực tuyến không mấy dễ chịu thông qua công cụ tìm kiếm sản phẩm trực tuyến, cung cấp cho người quản lý giải pháp về cách đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách hiệu quả và tốt nhất để việc mua sắm dễ dàng hơn; (5) TechElite cung cấp giải pháp phù hợp cho việc tổ chức một sự kiện hoàn chỉnh từ PR, vé, ghế ngồi và cả truyền hình trực tiếp với phong cách thanh lịch, chuyên nghiệp; (6) LOZI (website lozi.vn) là mạng xã hội, diến đàn cho những người yêu thích ẩm thực chia sẻ trải nghiệm, niềm đam mê của mình và cơ hội để thử những món ăn mới ở địa điểm mới; (7) VnPlay là một nền tảng nội dung số giúp người dùng có thể xem truyền hình trên các thiết bị máy tính hoặc điện thoại di động thông qua việc tạo ra nền tảng cho phép các bên thứ 3 là nhà phân phối sử dụng phương tiện truyền thông để phát sóng truyền hình trực tiếp trên kênh của họ với kế hoạch chia sẻ doanh thu; (8) Viet Creative cung cấp cho các nhà phát triển game trẻ em (từ 1 – 10 tuổi) công cụ để xây dựng game, các tổ chức có thể tạo ra và phân phối nội dung trên nền tảng của VietCreative; (9) LOANVI: xây dựng một nền tảng tài chính ở cấp vi mô, giúp đỡ người đi vay có thể so sánh và lựa chọn giữa các gói tài chính khác nhau trên thị trường để tìm ra lựa chọn tốt nhất.
Tại “Ngày hội đầu tư”, các nhóm khởi nghiệp đã thuyết trình, chia sẻ lịch sử hình thành công ty, thành tựu đạt được và các chiến lược chiếm lĩnh thị trường; các nhà đầu tư cũng đã làm việc cụ thể với các nhóm khởi nghiệp thích hợp. Sự kiện này không chỉ hữu ích với các nhóm khởi nghiệp và các nhà đầu tư, mà còn có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của Đề án.
Nhóm CSK giới thiệu sản phẩm phần mềm dịch vụ điện toán đám mây.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, sự kiện này là kết quả của hơn một năm đề án về xây dựng các doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình Thung lũng Silicon do Bộ KH&CN khởi xướng. Demo Day là dịp để báo cáo với nhà quản lý, người làm khoa học, giới truyền thông kết quả bước đầu của Đề án, giới thiệu những gương mặt còn rất trẻ nhưng có hoài bão, đam mê với sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Họ là những người có tinh thần doanh nghiệp đi lên từ hai bàn tay và khối óc.
Bộ trưởng mong rằng, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ cùng tiếp tục chung vai trong sự phát triển KH&CN nói chung cũng như phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng để những kết quả nghiên cứu từ các viện, trường đi vào cuộc sống, trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ đất nước và xuất khẩu.
Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam” do Bộ KH&CN giao Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Văn phòng Phối hợp phát triển môi trường KH&CN nghiên cứu, triển khai từ năm 2013. Mục tiêu cơ bản của Đề án là tạo ra một hệ sinh thái gồm các start up được đào tạo, tư vấn trong chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp (BA) để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm nhằm xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công. Theo đó, doanh nghiệp phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện. Đồng thời tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kết hợp nguồn vốn ngân sách để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài. |
Theo Truyenthongkhoahoc