Tây Nguyên 3 – chương trình khoa học và công nghệ tổng hợp liên ngành
Ngày đăng: 23/12/2015 08:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/12/2015 08:16
Chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015" (còn gọi là chương trình Tây Nguyên 3) do Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam thực hiện, đang bước vào chặng cuối. 65 đề tài, nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học - công nghệ đã và đang được nghiệm thu, tổng kết.
Buổi nghiệm thu về một đề tài KH và CN thuộc Chương trình Tây Nguyên 3. |
Sau hơn 20 năm kết thúc chương trình Tây Nguyên 2, với các bước chuẩn bị cần thiết của các đơn vị chức năng cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chấp thuận về việc xây dựng và thực hiện chương trình Tây Nguyên 3.
Tháng 8-2011, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) có quyết định phê duyệt mục tiêu, nội dung khung chương trình và giao Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) chủ trì phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (HLKH XHVN) và Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện. Chương trình Tây Nguyên 3 được triển khai thực hiện với 65 đề tài, nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, KH và CN, khoa học xã hội và nhân văn. Bởi vậy, đây là chương trình KH và CN mang tính tổng hợp, liên ngành cao so với hai chương trình về Tây Nguyên trước đó.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên, như PGS.TSKH Trần Trọng Hoà, Phó chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 3 cho biết: Có 31 đề tài tập trung vào những vấn đề cấp thiết (như tài nguyên đất, nước; tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; tài nguyên khoáng sản; môi trường thiên tai và các vấn đề khác). Tây Nguyên được biết đến như một vùng đất màu mỡ với loại đất badan chiếm tới 20% (hơn 1,5 triệu ha), là điều kiện thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Song đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đất Tây Nguyên đã có hiện tượng bị thoái hóa do xói mòn tự nhiên và sự khai thác bừa bãi của con người. Tốc độ và quy mô thoái hóa đất dẫn đến hoang mạc hóa ở Tây Nguyên đã thành nguy cơ đáng báo động.
Sử dụng phương pháp nghiên cứu mới, nhóm tác giả đề tài "Thoái hóa đất và hoang mạc hóa khu vực Tây Nguyên - thực trạng và một số giải pháp" đã xác định, diện tích thoái hóa đất tiềm năng ở cấp độ mạnh và rất mạnh (chiếm khoảng 34,3% tổng diện tích đất Tây Nguyên), trong đó nguy cơ nặng nhất là các tỉnh Gia Lai (khoảng 850 ha), Kon Tum (hơn 700 ha). Đi liền với thoái hóa đất là tình trạng hoang mạc hóa diễn ra cục bộ ở Tây Nguyên với tổng diện tích qua điều tra chiếm hơn 10% đất tự nhiên (tương ứng khoảng 560 nghìn ha); trong đó Kon Tum hơn 97 nghìn ha, Đắc Nông 99 nghìn ha, Lâm Đồng hơn 74 nghìn ha… Để hạn chế từng bước, tiến tới ngăn chặn các quá trình thoái hóa đất và nguy cơ lan rộng hoang mạc hóa ở Tây Nguyên, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đề xuất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng cốt yếu vẫn là thay đổi chính sách và công tác quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây trồng, và không kém phần quan trọng là truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng đất bền vững.
Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, lâu nay đang là chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, trong đó có vấn đề về môi trường. Làm thế nào để giải quyết một khối lượng lớn bùn đỏ hằng năm thải ra từ khai thác bô-xít? Viện hóa học (Viện HLKH và CNVN) sau hơn ba năm triển khai, thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin tại Tây Nguyên", bước đầu đã tìm lời giải cho bài toán này.
Đầu tháng 4/2015, Hội đồng KH và CN cấp Nhà nước đã tiến hành tổng kết, nghiệm thu đề tài trước sự có mặt của các nhà khoa học đến từ Viện KH và CN quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dựa trên các kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng nghiệm thu đã có đánh giá: Đề tài nghiên cứu là vấn đề lớn, phạm vi rộng bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã triển khai một cách bài bản từ tổng quan lý thuyết đến thực nghiệm, đi từ quy mô nhỏ đến quy mô công nghiệp (mẻ 200 tấn bùn đỏ khô) và kết quả cho hiệu suất thu hồi tinh quặng sắt đạt 62,7% đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để sản xuất gang và sắt xốp. Đồng thời, mẫu thép thu được từ sắt xốp đạt tiêu chuẩn mác SD390 của Nhật Bản và mác thép CT5. Từ các kết quả của đề tài mở ra triển vọng cho việc xử lý và tận dụng nguồn thải bùn đỏ từ các dự án khai thác boxít tại khu vực Tây Nguyên; đây là cơ sở khoa học cho việc xây dựng dự án khả thi sản xuất tính quặng sắt, gang và thép từ nguồn thải bùn đỏ khi Chính phủ có chủ trương. Cũng vì lẽ đó, quy trình sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp từ bùn đỏ do nhóm nghiên cứu của Viện hóa học (Tiến sĩ Vũ Đức Lợi làm chủ nhiệm) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp bằng độc quyền sáng chế. Theo đó Viện HLKH và CNVN đã ký biên bản ghi nhớ chuyển nhượng bản quyền sở hữu trí tuệ công trình khoa học này cho Công ty cổ phần thép Thái Hưng.
GS Nguyễn Xuân Thắng, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu. |
Hơn 20 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó phần lớn thực hiện từ cuối năm 2012, đến nay cũng đang bước vào giai đoạn tổng kết nghiệm thu. Đáng chú ý đề tài "Các giá trị phát triển cơ bản của vùng Tây Nguyên và xác định các quan điểm định hướng giải pháp phát triển bền vững Tây Nguyên" do GS Nguyễn Xuân Thắng, làm chủ nhiệm đã được đánh giá loại xuất sắc.
Ở đây, nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ: 1, các giá trị phát triển cơ bản của Tây Nguyên, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá tác động của chúng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên qua gần 30 năm đổi mới. 2, khảo sát tổng thể về sự biến đổi các giá trị phát triển cơ bản của Tây Nguyên trong khoảng gần 30 năm qua; dự báo triển vọng phát triển và nhận diện các giá trị phát triển cơ bản mới của Tây Nguyên. 3, xác định quan điểm định hướng và giải pháp phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030.
Từ các kết quả nghiên cứu, các tác giả cho rằng, sự phát triển chưa phát huy đúng mức các thế mạnh và bản sắc các địa phương nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên thời gian qua đã đưa đến những hệ luỵ liên quan đến sự suy thoái về tài nguyên môi trường, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội. Cần sự tái định hình hệ giá trị phát triển cơ bản cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, phù hợp với đặc thù của vùng, chiến lược phát triển của quốc gia và đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập. Phải có sự phù hợp, đồng bộ giữa các phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển bền vững trong toàn vùng; trong mỗi khoảng thời gian nhất định, cần có các phương hướng và giải pháp ưu tiên cho một loại giá trị nhất định trong hệ giá trị tổng thể về kinh tế, xã hội, văn hoá, tài nguyên - môi trường và an ninh - quốc phòng khu vực Tây Nguyên…
Gần 30 năm của công cuộc đổi mới, Tây Nguyên đã và đang có bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội. Song thực tế cũng cho thấy vùng địa - chính trị quan trọng này đang có sự thay đổi cơ cấu tộc người, quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế đã và đang tác động, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Trong đề tài "Quan hệ tộc người và chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vữn Tây Nguyên", nhóm tác giả đã phân tích và chỉ ra: một trong những biến đổi lớn về xã hội ở Tây Nguyên từ sau năm 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay là sự biến đổi rất nhanh về cơ cấu thành phần tộc người mà nguyên nhân chính do tăng nhanh dân số cơ học. Tính đa dạng về cơ cấu tộc người là một trong những yếu tố dẫn đến các bất cập về dân số, đời sống dân sinh so với các vùng kinh tế - xã hội khác trên đất nước ta. Bên cạnh cơ cấu tộc người đa dạng và phức tạp, hơn 20 năm trở lại đây Tây Nguyên cũng là địa bàn xuất hiện nhiều tôn giáo mà đông nhất là đạo Thiên Chúa, Phật giáo, Tin Lành.
Từ thực tiễn, nhóm nghiên cứu khẳng định quan hệ giữa các tộc người tại chỗ với người Kinh cũng như các tộc người thiểu số mới di cư đến về cơ bản vẫn đoàn kết, hoà đồng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Tuy nhiên những năm gần đây, các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên quốc gia đã có các ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng và sự ổn định chính trị trên khu vực Tây Nguyên. Mối quan hệ giữa các cộng đồng cùng tộc người và khác tộc ở Tây Nguyên ngày càng chịu tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng. Đề tài đã đúc rút được các bài học kinh nghiệm bổ ích, đồng thời đề xuất và luận giải quan điểm định hướng và các giải pháp về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Chương trình Tây Nguyên 3 được Nhà nước đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015. Theo TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm Chương trình thì đến cuối 2015 và sang đầu quý II năm 2016 sẽ hoàn thành nghiệm thu và tổng kết đánh giá. Là chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước nên có đề tài, nhiệm vụ triển khai, thực hiện ba, bốn năm, cũng có đề tài chỉ thực hiện trong khoảng thời gian hai năm. Mức đầu tư phổ biến hai, ba tỷ đồng/đề tài, thậm chí có đề tài lên đến 25 tỷ đồng. Chưa biết các kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng, chuyển giao vào thực tế đời sống sản xuất kinh doanh được bao nhiêu phần trăm? Chỉ biết rằng, theo dõi chương trình từ khi khởi động đến nay, thấy có sự thiếu hợp lý trong cơ cấu, phân bổ đề tài giữa mảng khoa học và công nghệ (quá ít) so với khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn. Tây Nguyên đang thiếu hụt nhiều mặt so các vùng khác.
Một Chương trình KH và CN mang tính liên ngành và tổng hợp như Tây Nguyên 3 là hết sức cần thiết. Hiệu quả của nó đến đâu sẽ chờ câu trả lời từ thực tế. Tuy nhiên cần có cơ chế, giải pháp thích hợp trong việc chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất hàng hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mà phát triển hệ thống doanh nghiệp KH và CN (khu vực này còn quá mỏng) là nhân tố bảo đảm sự gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tránh tình trạng các đề tài, dự án nghiệm thu xong kém phát huy tác dụng, hoặc "đắp chiếu" như đã xảy ra thì rất lãng phí…
Theo Nhandan.com.vn