Tàu thám hiểm sao Diêm Vương gửi tín hiệu về Trái Đất
Ngày đăng: 16/07/2015 08:11
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/07/2015 08:11
Gần một thập kỷ trước, tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu sứ mệnh đi đến sao Diêm Vương cách xa Trái Đất hơn 4,88 tỷ km. Đến thời điểm 18 giờ 49 phút ngày 14-7, con tàu này đã đến được mục tiêu và gửi những tín hiệu đầu tiên về Trái Đất.
Khoảng 13 tiếng sau khi tiếp cận sao Diêm Vương ở cự ly gần nhất, hành tinh duy nhất chưa từng được khám phá trước đó trong hệ mặt trời, tàu New Horizons đã gửi những tín hiệu đầu tiên về Trái Đất. Hiện chiếc tàu không gian đang nằm cách sao Diêm Vương 12.472 km – tầm khoảng cách giữa Mumbai tới New York. Với 99% dữ liệu thu thập được trong suốt quá trình tiếp cận vẫn được lưu trữ trong tàu vũ trụ New Horizons, nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho con tàu này đang được NASA đặt lên hàng đầu.
John Grunsfeld, Người đứng đầu Ban Giám đốc sứ mệnh khoa học của NASA cho biết: “Đây là một thời khắc trọng đại trong lịch sử nhân loại”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã gửi lời chúc mừng qua trang mạng Twitter: “Sao Diêm Vương đã có vị khách đầu tiên. Xin cảm ơn NASA vì sự kiện này”.
Tàu New Horizons dành hơn tám tiếng sau thời điểm tiếp cận gần nhất để khám phá sao Diêm Vương, với một loạt thí nghiệm nhằm nghiên cứu bầu khí quyển cũng như chụp ảnh vùng tối của sao Diêm Vương sử dụng ánh sáng phản chiếu từ mặt trăng chính của hành tinh này là Charon.
Những hình ảnh và thông số đo lường được chuyển về Trái Đất từ tàu New Horizones trước khi tàu này tiếp cận gần sao Diêm Vương đã thay đổi nhiều quan niệm trước đó của các nhà khoa học về hành tinh này. Từng được coi là một hành tinh băng, không có sự sống, những dữ liệu được chuyển về từ tàu New Horizones đã cho thấy sao Diêm Vương có những dấu hiệu của hoạt động địa chất với bằng chứng của các hoạt động kiến tạo trong quá khứ và có thể trong giai đoạn hiện nay, hay những chuyển động của lớp vỏ hành tinh này.
Alan Stern, nhà khoa học chịu trách nhiệm chính trong dự án New Horizons cho biết: “Điều này chứng tỏ đây là một hành tinh có cả các yếu tố địa chất cũng như khí quyển”.
Các nhà khoa học vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra với sao Diêm Vương, vốn vẫn được coi là hành tinh thứ chín trong hệ mặt trời khi tàu vũ trụ New Horizons được phóng vào năm 2006. Sao Diêm Vương được tái phân loại là “hành tinh lùn” sau khi các nhà khoa học phát hiện có nhiều tinh cầu khác giống sao Diêm Vương di chuyển trong vành đai Kuiper, khu vực vượt ra ngoài hành tinh thứ tám trong hệ mặt trời là Hải Vương tinh.
Tàu vũ trụ New Horizons sẽ cần khoảng 16 tháng để truyền về Trái Đất hàng nghìn bức ảnh và dữ liệu thu thập được trong quá trình bay quanh sao Diêm Vương. Sau đó, tàu New Horizons sẽ tiếp tục thâm nhập vào sâu hơn trong vành đai Kuiper.
Theo Nhandan.com.vn