Tập trung vào các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm
Ngày đăng: 12/01/2015 08:05
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/01/2015 08:05
Là Trung tâm khoa học và công nghệ (KH và CN) hàng đầu cả nước, với 33 đơn vị nghiên cứu và hàng chục đầu mối hành chính sự nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có đội ngũ cán bộ hùng hậu, chất lượng cao đang thực hiện các chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước. Tuy nhiên, để có các kết quả KH và CN có tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội, Viện cần khắc phục không ít hạn chế, bất cập...
Kiểm tra thiết bị thí nghiệm tại Trung tâm vật lý hạt nhân (Viện Vật lý). |
Năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) triển khai, thực hiện gần 480 đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp với tổng kinh phí 327,5 tỷ đồng. Không kể các dự án ODA và NGO, năm 2014, số lượng đề tài, nhiệm vụ khoa học của Viện tăng 11,4%. Theo GS Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Viện HLKH và CNVN thì đội ngũ các nhà khoa học của Viện đã tập trung vào các hướng nghiên cứu chính, trọng điểm. Trước hết, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử và công nghệ vũ trụ (CNVT) phải kể đến việc xây dựng và phát triển hệ thống giám sát môi trường trên nền tảng điện toán đám mây qua mạng viễn thông WIMAX 4G. Với sự kết hợp giữa các công nghệ GIS, WIMAX 4G và SCADAR trong công nghiệp, hệ thống bao gồm phần mềm giám sát điều khiển cài đặt trên máy chủ trung tâm và các trạm đo môi trường đặt cố định hoặc di động trong môi trường sản xuất. Hệ thống sẽ giúp các nhà quản lý, giám sát các thông số như nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí CO, CO2, độ PH trong đất... một cách trực quan và liên tục; đồng thời, điều khiển một số thiết bị để điều chỉnh các thông số đo ở trạng thái thích hợp phục vụ nuôi trồng, sản xuất của người nông dân. Hệ thống này đã được Viện Công nghệ thông tin nghiên cứu và ứng dụng bước đầu tại Nông trường cao-su 30-4, ngoại vi thành phố Buôn Ma Thuật (Ðác Lắc) năm 2014 nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng cây trồng.
Tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình KH và CN cấp Nhà nước về "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020", năm 2014, nhóm nghiên cứu thuộc Viện CNVT đã thiết kế và chế tạo hệ đo phổ kế nhỏ gọn, có thể lắp đặt trên máy bay không người lái UAV (do Liên hiệp khoa học sản xuất công nghệ cao viễn thông - tin học sản xuất). Thiết bị này có khả năng đo phổ phản xạ của các đối tượng tự nhiên dưới mặt đất, chuẩn hóa với số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh; trên cơ sở đó xây dựng dữ liệu phổ phản xạ của các đối tượng, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực viễn thám. Với việc phóng vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam (hợp tác với Pháp) vào tháng 5 - 2013, hơn một năm qua, đội ngũ các nhà khoa học thuộc Viện HLKH và CNVN phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm chủ trong vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống vệ tinh VNREDSat-1. Ðược Chính phủ giao, viện cũng đang đẩy nhanh tiến độ trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc. Phấn đấu đến năm 2020, biến nơi đây trở thành một trung tâm vũ trụ hàng đầu Ðông - Nam Á, với đội ngũ khoảng 350 người gồm các cán bộ quản lý, nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật cao có khả năng làm chủ trong nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhỏ.
Trong lĩnh vực vật lý, cơ học và khoa học vật liệu phải kể đến các đề tài nghiên cứu cơ bản, và cơ bản định hướng ứng dụng. Không ít công trình nghiên cứu đã tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp và sinh học, y học, góp phần gia tăng các công bố quốc tế đạt tiêu chuẩn ISI. Trong số hơn một trăm bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín ở lĩnh vực này, thời gian qua, phải kể đến công trình "Ðồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W" do PGS, TS Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý) làm chủ nhiệm đã vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu đúng dịp tổ chức ngày KH và CN Việt Nam đầu tiên (18-5-2014). Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Viện Khoa học vật liệu đã chuyển giao cho Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc quy trình công nghệ thủy luyện mới, cho phép chế biến quặng đồng sunfua thành các sản phẩm kim loại đồng điện phân hoặc tinh thể sunfat đồng chất lượng cao. Theo đó, viện đang hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chuẩn bị thiết kế và bàn giao dây chuyền chế biến quặng sunfua đồng công suất sáu nghìn tấn sunfat đồng/năm (vào đầu năm 2015) cho doanh nghiệp tại mỏ đồng Saotua, khu vực Tây Bắc.
Ðáng chú ý năm qua, Viện HLKH và CNVN cũng thực hiện được hơn hai phần ba chặng đường của Chương trình trọng điểm "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015" (gọi tắt là chương trình Tây Nguyên 3). Hơn 60 đề tài, nhiệm vụ khoa học, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, KH và CN đã và đang được triển khai thực hiện. Ðến thời điểm này, đã có 33 đề tài, nhiệm vụ hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Nhà nước. Trong đó, gần mười đề tài đã tiến hành chuyển giao sản phẩm cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên. Một số doanh nghiệp đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, chẳng hạn như kết quả "Công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên" cho Công ty sữa Ðà Lạt Milk, "Công nghệ thụ tinh nhân tạo giống heo rừng Tây Nguyên" được Sở KH và CN Ðác Nông và một số đơn vị sản xuất đón nhận. Ðề tài "nghiên cứu, phát triển dịch vụ đa phương tiện trên nền mạng viễn thông WIMAX 4G tại Tây Nguyên" được UBND tỉnh Ðác Lắc đánh giá cao và cùng Công ty CP viễn thông Ðông Dương Telecom tiếp nhận, vận hành. Ðặc biệt đề tài "Công nghệ sản xuất thép và vật liệu không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin tại Tây Nguyên" đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện KH và CN tiêu biểu năm 2014.
Tuy nhiên, những kết quả mà Viện đã đạt được chưa tương xứng với đội ngũ hơn 4.000 cán bộ, viên chức, trong đó có 41 GS, 152 PGS, gần 740 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, 846 thạc sĩ. Từ năm 2010 đến nay, số lượng đề tài công bố trong và ngoài nước không ngừng tăng lên; số lượng đề tài, dự án hằng năm và từng giai đoạn triển khai khá lớn nhưng hiếm có đề tài, nhiệm vụ thu được kết quả có tầm ảnh hưởng, tác động lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động điều tra cơ bản là một thế mạnh của Viện HLKH và CNVN song thời gian qua vẫn ở trạng thái manh mún, chưa tạo lập được vai trò nòng cốt để gắn kết với nhu cầu phát triển của các ngành và địa phương. Thành tích công bố quốc tế năm sau cao hơn năm trước nhưng số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích của Viện vẫn còn khiêm tốn và dường như khó xâm nhập vào thực tiễn cuộc sống.
"Năm 2014, Viện HLKH và CNVN công bố 2.074 công trình khoa học. Trong đó có 803 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế (tăng 21,7% so năm 2013). Ðáng chú ý, số bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đạt tiêu chuẩn ISI (SCI và SCI-E) là 523 bài, tăng hơn 20% so năm 2013. Các đơn vị có nhiều công bố quốc tế là các viện: Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Khoa học vật liệu, Vật lý, Toán học... (Nguồn: Viện HLKH và CNVN) |