Tạo thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ
Ngày đăng: 02/03/2015 14:13
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/03/2015 14:13
Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (KH&CN) có hiệu lực (1/1/2014), Bộ KH&CN đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành một loạt cơ chế, chính sách. Ðến nay, nhiều cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá đã được ban hành để cụ thể hóa các quy định của Luật KH&CN, trong đó có công tác tổ chức và ưu đãi, trọng dụng nhà khoa học.
Nghiên cứu sinh làm việc trong phòng thí nghiệm tế bào gốc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. |
Theo Nghị định số 40/2014/NÐ-CP, một trong những nội dung quan trọng có tính chất đột phá của Luật KH&CN là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, đi đôi với chính sách sử dụng, trọng dụng nhân tài KH&CN. Cụ thể: tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm hạng chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân có thành tích KH&CN; kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ khoa học trình độ cao để tiếp tục nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (từ năm năm đến 10 năm tùy thuộc học hàm, học vị và hạng chức danh của cán bộ khoa học). Ngoài ra, nhà khoa học đầu ngành; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng được tạo điều kiện tối ưu về sinh hoạt, nghiên cứu và kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức KH&CN nhằm thu hút, giữ chân những nhà khoa học giỏi ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hoạt động KH&CN, trong quá trình CNH, HÐH và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ðáng chú ý, một trong những cơ chế "hút" nhà khoa học là chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 45/2014/QÐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2014. Theo đó, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc tại Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ KH&CN sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp 70%, 50%, 40% và 20% tùy thuộc vị trí việc làm trong các đơn vị này. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của Bộ KH&CN. Chính sách nói trên là nguồn động viên thiết thực, đồng thời là một giải pháp quan trọng để thu hút và giữ chân những cán bộ khoa học giỏi làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Quy định về lập dự toán và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập đã có nhiều thay đổi tích cực theo Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN giữa Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, có hiệu lực từ ngày 8/10/2014. Việc xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KH&CN công lập thực hiện theo phương thức mới, thông qua các nhiệm vụ cụ thể, thay thế cho phương thức cấp kinh phí theo đầu biên chế như trước đây. Hằng năm, tổ chức KH&CN xây dựng danh mục nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm, cơ quan chủ quản sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ này. Căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan chủ quản sẽ xem xét, quyết định giao hoặc không tiếp tục giao nhiệm vụ này cho tổ chức KH&CN trong năm tiếp theo. Quy định tại thông tư nêu trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập; tạo điều kiện để tổ chức KH&CN thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; bảo đảm được cơ chế thu nhập của công chức, viên chức, người lao động theo hiệu quả công việc một cách dân chủ, công bằng, trên nguyên tắc "có làm có hưởng, không làm không hưởng, làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều", khắc phục triệt để tư tưởng bình quân chủ nghĩa, ỷ lại, trì trệ của cơ chế bao cấp.
Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định về đánh giá tổ chức KH&CN là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN. Bên cạnh đó, quy định về điều kiện thành lập, hoạt động tổ chức trung gian của thị trường KH&CN tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quy hoạch và phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ KH&CN để thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ, định giá tài sản trí tuệ, mua bán, chuyển giao công nghệ trên thị trường và các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hy vọng rằng các chính sách về tổ chức và nhân lực KH&CN nêu trên, khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng để đổi mới quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả công tác KH&CN trong năm 2015 và các năm tiếp theo, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Nhandan.com.vn