Tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động mua bán sầu riêng
Ngày đăng: 08/09/2023 08:33
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/09/2023 08:33
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, chiếm 20% diện tích sầu riêng của cả nước, trong đó có khoảng hơn 9.600 ha cho thu hoạch; sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn.
Chế biến sầu riêng (Ảnh minh họa). |
Toàn tỉnh có 49 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.300 ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Công tác thu hoạch, mua bán, vận chuyển sầu riêng hiện đang diễn ra nhộn nhịp do giá cả tăng cao hơn so với những năm trước và đã có một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang Trung Quốc. Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động mua bán sầu riêng.
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện tuyên truyền các quy định của pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh sầu riêng, để người dân và các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán sầu riêng chấp hành nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp xã rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân trồng sầu riêng (diện tích trồng, dự kiến sản lượng…) và cung cấp cho Chi cục Thuế để theo dõi, quản lý.
UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND cấp xã phối hợp với Chi cục Thuế rà soát, xác định danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán sầu riêng trên địa bàn; làm việc trực tiếp, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định; đảm bảo 100% tổ chức, cá nhân có phát sinh doanh thu, thu nhập từ hoạt động kinh doanh mua bán sầu riêng phải được quản lý thu thuế.
Ban chỉ đạo đôn đốc thu thuế và chống thất thu ngân sách cấp huyện chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị cùng cơ quan Thuế triển khai các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động mua bán sầu riêng, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời xử lý. Đặc biệt, Ban chỉ đạo đôn đốc thu thuế và chống thất thu ngân sách cấp huyện cần chỉ đạo Công an tăng cường tuần tra, phát hiện kịp thời các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán sầu riêng nhưng không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp khi vận chuyển hàng hoá.
UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế chỉ đạo các Chi cục Thuế nắm đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các hộ, cá nhân, tổ chức như: Quy mô, diện tích kho, bãi, nhân lực, tài sản, phương tiện, công cụ phục vụ hoạt động kinh doanh; điều tra, xác định doanh thu, mức thuế phải nộp của từng hộ, doanh nghiệp đảm bảo sát với thực tế hoạt động kinh doanh sầu riêng. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi bán hàng, vận chuyển sầu riêng ra khỏi địa bàn phải lập hóa đơn theo đúng quy định; khi mua sầu riêng của người nông dân trực tiếp trồng bán ra phải lập bảng kê, mua của các doanh nghiệp hoặc của các hộ kinh doanh khác thì phải có hóa đơn theo đúng quy định.
Cục Thuế chỉ đạo các Chi cục Thuế kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp cố tình lập bảng kê mua trực tiếp của người nông dân để hợp thức hóa sầu riêng mua của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác gây thất thu cho ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ việc mua bán của các hộ kinh doanh trên địa bàn, định kỳ ghi nhận về số lượng sầu riêng mua vào, tồn tại kho, giá bán… để quản lý tốt doanh thu bán ra. Khi hộ kinh doanh bán hàng cho các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh khác thì phải xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh để kê khai nộp thuế theo đúng quy định.
Chi cục Thuế thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình mua bán sầu riêng trên địa bàn, chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND cấp huyện chỉ đạo, triển khai các biện pháp phối hợp quản lý, chống thất thu hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh sầu riêng, mục tiêu là quản lý chặt chẽ về đối tượng, sản lượng, giá, mức thuế phải nộp theo đúng quy định.
Daklak.gov.vn