Tăng cường gắn kết truyền thông KH&CN với công chúng
Ngày đăng: 20/11/2014 07:38
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/11/2014 07:38
Toàn cảnh Hội thảo |
Với mong muốn đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phương thức và kĩ năng trong lĩnh vực truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) để từ đó nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông KH&CN cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Truyền thông khoa học: phương thức và kĩ năng”, tại Hà Nội vào ngày 17/11 vừa qua.
Tham dự Hội thảo, về phía chuyên gia nước ngoài có TS. Mary Chambers, Giám đốc Chương trình Đào tạo và Kết nối khoa học với công chúng, Cơ quan Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (Anh) đại diện tại TP.HCM; TS. Heiman Wertheim, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (Anh) đại diện tại TP. Hà Nội; GS.TS. Eric Castelli, Đồng Viện trưởng phụ trách khoa học Viện Nghiên cứu Quốc tế về Thông tin, Truyền thông đa phương tiện (Pháp); Về phía Bộ KH&CN có Ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cùng đông đảo Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác thông tin, truyền thông đến từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.
Mở đầu Hội thảo, bà Trần Thị Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã đưa ra cái nhìn tổng quan về hoạt động truyền thông KH&CN của Bộ KH&CN Việt Nam trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh một số hoạt động truyền thông KH&CN nổi bật đã góp phần thu hút được sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với hoạt động KH&CN, tạo được dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng khoa học Việt Nam. Đó là các sự kiện: Ngày KH&CN Việt Nam năm 2014, Tuần lễ KH&CN quốc gia, Giải thưởng Báo chí về KH&CN, Tuần lễ truyền thông KH&CN,...
Đặc biệt, tại Hội thảo, các đại biểu đã được TS. Mary Chambers đến từ Đại học Oxford chia sẻ những kinh nghiệm về cách kết nối khoa học với cộng đồng xã hội, trong đó chú trọng những hình thức truyền thông nhằm thu hút giới trẻ và các em học sinh như hình thành các quán cà phê khoa học, nhà hát khoa học, các phòng thí nghiệm trò chơi khoa học,…. TS. Mary Chambers cho biết những hoạt động này đã được triển khai ở Anh từ 30-40 năm nay, và thời gian gần đây Đại học Oxford đã đưa vào triển khai tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam.
GS.TS. Eric Castelli chia sẻ về cách xây dựng, vận hành các phòng truyền thông đa phương tiện. Theo GS.TS. Eric Castelli để xây dựng phòng truyền thông đa phương tiện thì điều quan trọng là phải xác định được mục đích, quy mô cụ thể của phòng studio, và quan trọng hơn cả là cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Hội thảo này thực sự là một cơ hội tốt để các cán bộ phụ trách công tác thông tin, truyền thông thuộc Bộ KH&CN học tập kinh nghiệm truyền thông KH&CN của các chuyên gia nước ngoài. Kinh nghiệm truyền thông của Anh và Pháp sẽ cung cấp cho Việt Nam những ý tưởng mới mẻ có thể vận dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, nhằm tạo ra những bước đột phá cho hoạt động truyền thông KH&CN.
Theo Truyenthongkhoahoc