Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 13/09/2023 08:20
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/09/2023 08:20
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chăn nuôi lợn quy mô nông hộ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa) |
Tính đến đầu tháng 9/2023, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 90 hộ thuộc 65 thôn/buôn của 11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Cư M’gar, Krông Pắc, M’Drắk, Lắk, Krông Năng, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Năng, Cư Kuin, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 1.028 con; khối lượng tiêu hủy là trên 41 tấn.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố: Thành lập các đoàn công tác trực tiếp đôn đốc và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý dứt điểm, triệt để ổ dịch; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường, dẫn đến dịch bệnh lây lan...
Tại các địa phương, việc tái đàn lợn phải theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy định; tổ chức triển khai việc tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành chăn nuôi và thú y; tập trung mọi lực lượng để tổ chức xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch mới phát sinh không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng và dây dưa kéo dài.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quản lý; hướng dẫn người nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi...
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT bố trí đầy đủ các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn để tái đàn, nuôi thương phẩm, lợn đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi; thực hiện công tác giám sát nhằm đánh giá sự lưu hành mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi để sớm phát hiện, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm...
Báo Đắk Lắk