Sử dụng marker trong điều trị mục tiêu cho bệnh nhân Crohn
Ngày đăng: 23/10/2018 14:13
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/10/2018 14:13
Bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng - CD) là một bệnh được đặc trưng bởi tình trạng viêm đường ruột mãn tính, do một phản ứng tự miễn dịch dẫn tới viêm ruột và đường ruột quá mức, gây đau đớn, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến ruột kết. Trong vòng 50 năm qua, Bệnh Crohn nổi lên như một căn bệnh toàn cầu, với số người mắc phải ngày một nhiều. Các chuyên gia y tế từ lâu đã nghi ngờ rằng bệnh này là tổng hợp của một loạt những rối loạn khác nhau liên quan đường ruột, tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm ruột từng vùng cũng như kiểu CD nào mà bệnh nhân có nguy cơ mắc phải.
Trong bài báo được công bố trên tạp chí JCI Insight, nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Cornell và Đại học Bắc Carolina (Hoa Kỳ) đã tìm ra một phân tử duy nhất có tên gọi là microRNA-31 (miR-31) cho phép họ xác định xem bệnh nhân thuộc phân nhóm 1 (subtype 1) hay suptype 2 của bệnh.
Phát hiện mới có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì, không giống như subtype 2, bệnh nhân thuộc subtype 1 thường có biểu hiện không đáp ứng tốt với thuốc, đồng thời, ống ruột ở những bệnh nhân này có xu hướng co bé lại, dẫn đến nhu cầu phải thực hiện phẫu thuật khi bệnh phát triển. Trong tương lai, dấu hiệu miR-31 có thể sẽ rất hữu ích đối với các bác sĩ lâm sàng, nó cho phép khả năng dự đoán xem liệu bệnh nhân có cần thiết phải ưu tiên thực hiện phẫu thuật hay không trước khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
PGS. Praveen Sethupathy, Khoa Khoa học Y sinh tại Cornell, Trường Cao đẳng Thú y và là đồng tác giả chính của nghiên cứu, cùng với Terrence Furey, phó giáo sư về di truyền học và PGS.TS Shehzad Sheikh thuộc UNC cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi không phải là nhằm mục đích thực hiện y học cá thể hóa (personalized medicine - nghĩa là liệu pháp điều trị và phòng ngừa được phát triển độc nhất cho mỗi cá nhân) về căn bệnh này, nhưng ít nhất chúng tôi tin rằng nó là cơ sở để có thể dẫn đến các thiết kế thử nghiệm lâm sàng tốt hơn”.
Sethupathy cho biết: “Thông thường, trong các thử nghiệm lâm sàng, tất cả các bệnh nhân sẽ được tập hợp và phân chia theo nhóm khi thử nghiệm một liệu pháp mới điều trị bệnh CD, điều này dẫn đến kết quả không nhất quán giữa các nhóm. Thông qua sử dụng miR-31, các nhà nghiên cứu có khả năng tách từng cá nhân bệnh nhân mắc bệnh CD thành các phân nhóm để xác định chính xác hơn nếu một loại thuốc cụ thể có tác dụng với một suptype chứ không phải loại khác”.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng sử dụng mẫu ruột nhân tạo hiện đại, được gọi là cơ quan ruột, cho phép thực hiện cấy mẫu sinh thiết trên cơ thể trong khi vẫn duy trì chức năng sinh lý của con người. "Hệ thống sáng tạo này có thể được sử dụng như một nền tảng thử nghiệm được cá nhân hóa để sàng lọc các tác nhân trị liệu trước khi điều trị cho bệnh nhân", Sheikh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhóm cũng sử dụng các kỹ thuật di truyền tiên tiến để theo dõi số lượng lớn các phân tử khác nhau trong mô ruột của hơn 150 bệnh nhi và bệnh nhân trong độ tuổi trưởng thành. MicroRNA kiểm soát mức độ biểu hiện gen mục tiêu. Chúng hoạt động như các mặt số âm - số lượng microRNA càng nhiều thì càng có nhiều gen mục tiêu bị ức chế. Thông tin dữ liệu từ công nghệ giải trình tự gen cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện khám phá miR-31.
Sethupathy cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng miR-31 không chỉ là một chỉ số tiên đoán về kết quả lâm sàng, mà còn có thể liên quan đến chức năng trong điều trị bệnh”.
Nhóm nghiên cứu cho biết trong tương lai sẽ khám phá chính xác chức năng nhiệm vụ cũng như vai trò của miR-31 trong tình trạng nguyên vẹn của biểu mô ruột. Furey cho biết: “Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là mở rộng công trình nghiên cứu này để hiểu rõ hơn về mức độ phân tử cho thấy bệnh CD biểu hiện ở các bệnh nhân khác nhau, đồng thời, sử dụng kiến thức này để phát triển các liệu pháp hiệu quả hơn trong tương lai”.
Theo Vista.gov.vn