Sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày đăng: 20/06/2023 08:12
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/06/2023 08:12
Sáng 19/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh; các đồng chí thuộc Ban Nội chính các tỉnh, thành phố. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.
Ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Sau 1 năm triển khai, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật như, đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, tạo chuyển biến mới, tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tham mưu, ban hành 2.196 văn bản để tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định; tiếp nhận, xử lý 2.340 đơn, thư, qua đó chuyển cơ quan chức năng giải quyết 616 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực.
Một trong những điểm nổi bật qua 1 năm hoạt động là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nề nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: hoạt động của một số Ban Chỉ đạo chưa nề nếp, hiệu quả chưa cao, còn 35 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chưa ban hành quy trình, quy định về nghiệp vụ; trong công tác chỉ đạo chưa đồng bộ giữa phòng ngừa và phát hiện xử lý; chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa; có Ban Chỉ đạo còn chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, còn tình trạng nể nang, máy móc trong xem xét xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp, các ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Đồng thời khẳng định, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, kịp thời, được dư luận xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ủng hộ cao.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phải hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao; tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tính tiên phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận, phản ánh, đơn, thư về tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Daklak.gov.vn