Sở Công Thương tham gia Tọa đàm trực tuyến “Giải quyết nút thắt lưu thông hàng hóa nông sản mùa dịch Covid-19”
Ngày đăng: 11/08/2021 08:15
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/08/2021 08:15
Sáng 10/8, báo điện tử VnExpress đã tổ chức Toạ đàm “Giải quyết nút thắt lưu thông hàng hóa nông sản mùa dịch Covid” với sự tham gia của hai vị khách mời là ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk; ông Trần Chí Dũng - Phó Viện trưởng - Viện Quản trị Logistics Toàn Cầu, Trưởng Ban Công nghệ - Đổi mới sáng tạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Tọa đàm nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 và Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo.
Các chuyên gia tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến |
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cùng thảo luận cách xây dựng mô hình kết nối tiêu thụ nông sản nhằm giải quyết triệt để tình trạng tiêu thụ nông sản bằng "tinh thần giải cứu", thống nhất một phương án phòng dịch và kiểm soát lưu thông hàng hóa cụ thể để từ đó ứng phó tốt hơn với các tình huống trong tương lai. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã chia sẻ thêm về giải pháp phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, gian hàng nông sản online, cũng như tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Huỳnh Ngọc Dương- Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trái cây sẽ có nguy cơ khó tiêu thụ nhất do việc mua bán trực tiếp tại vườn; tổ chức phân loại, đóng gói cần nhân công lành nghề; có thời gian bảo quản ngắn và tỉnh ta chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển theo phương châm bốn tại chỗ, bảo đảm vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ duy trì sản xuất kinh doanh; chủ động kết nối, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện, Sở đang đề xuất với Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối, xúc tiến với các Hiệp hội, các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong và ngoài nước thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung và đặc biệt hai mặt hàng sầu riêng và bơ của tỉnh Đắk Lắk, đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên phạm vi toàn quốc và tìm kiếm các đối tác xuất khẩu ra thị trường thế giới – Ông Dương cho biết.
Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk đang đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Đắk Lắk qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên Sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.
Về lâu dài, tỉnh đề nghị Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin thị trường nông sản trên thế giới thông qua tham tán thương mại ở các nước. Tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa nông sản chủ lực địa phương. Cập nhật cung cấp thông tin tình hình biên mậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc cho doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nguồn hàng, tránh thiệt hại do dồn ứ ở các cửa khẩu với Trung Quốc.
Tỉnh cũng đề xuất Bộ NN&PTNT tích cực đàm phán với Trung Quốc để cho 2 loại trái cây chủ lực của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên là quả bơ và quả sầu riêng sớm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc- ông Dương thông tin.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt trước làn sóng Covid thứ tư có quy mô và diễn biến phức tạp, hậu quả cũng nặng nề hơn. Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, kéo theo cuộc sống của nhiều người dân và nền kinh tế gặp khó khăn. Đặc biệt, tình trạng lương thực thực phẩm hay các sản phẩm nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.
Đơn cử, các mặt hàng nông sản tại nhiều tỉnh thành đang có dấu hiệu cung vượt cầu do các vùng nông nghiệp đang vào mùa thu hoạch trong khi các doanh nghiệp thương lái không thể tiếp cận hết các địa bàn để thu mua do các quy định chống dịch. Trong khi đó, người dân ở những điểm dịch căng thẳng đối diện với tình trạng thiếu lương thực tuy nhiên lương thực thực phẩm lại không thể đến với người dân.
Về khía cạnh xuất khẩu, Covid-19 đã khiến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ... áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn như kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, quy cách đóng gói... gây cản trở cho nông sản Việt xuất khẩu ra thế giới.
Để tháo gỡ nút thắt này, từ phía các cơ quan chức trách cho đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp Việt Nam đã và đang tìm và thử nghiệm nhiều biện pháp để giải quyết bài toán lưu thông và tiêu thụ nông sản nhưng thực tế vẫn gặp nhiều cản trở và chưa thực sự giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả.
Tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh: Các mặt xuất khẩu chủ lực đến thời điểm 30/7/2021 ước thực hiện: Cà phê nhân xuất khẩu 117.000 tấn trị giá 189 triệu USD đạt 51% kế hoạch, Cà phê hòa tan 5.000 tấn trị giá 27 triệu USD đạt 67% kế hoạch; Hạt tiêu 3.000 tấn trị giá 9,9 triệu USD đạt kim ngạch 45% kế hoạch; Hạt điều 145 tấn trị giá 0,9 triệu USD đạt; sản phẩm ong 5.500 tấn đạt kim ngạch 5,6 triệu USD; cao su 6.000 tấn trị giá 12 triệu USD đạt 65% kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu này cũng chủ yếu thực hiện qua các kênh giao dịch truyền thống. Riêng đối với mặt hàng hoa quả trái cây thì hiện nay chủ yếu là tiêu thụ nội địa trong nước: Các mặt hàng chiếm khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ. Trong đó mặt hàng sầu riêng hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch (bắt đầu từ tháng 8-10); bơ tới thời điểm hiện nay đã tiêu thụ xấp xỉ 40 ngàn tấn, các sản phẩm này do các hầu hết tiêu thụ qua các thương lái thu mua tại vườn và đưa đi tiêu thụ, và hiện có một số nông dân xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bắt đầu tìm hiểu thông tin đưa lên các sản phẩm của mình lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu quảng bá. |
Theo Daklak.gov.vn