Siết chặt quản lý nguồn phóng xạ
Ngày đăng: 18/02/2016 09:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/02/2016 09:25
Cả nước hiện có hơn sáu nghìn nguồn phóng xạ được cấp giấy phép, trong đó khoảng 600 nguồn cần phải lắp đặt thiết bị giám sát, nhưng nhiều năm qua hệ thống quản lý vẫn chưa được triển khai. Gần đây, liên tục xảy ra hiện tượng mất nguồn phóng xạ khiến Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), các sở KH và CN phải tổ chức tìm kiếm rất tốn.
|
Cùng với sự phát triển của xã hội, đã có nhiều nguồn phóng xạ được sử dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, nhất là các dây chuyền sản xuất sữa, kẹo, đường, xi-măng… Điều này khiến công tác quản lý nguồn phóng xạ ngày càng khó khăn. Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX và HN), các quy định, văn bản hướng dẫn sử dụng, bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ đã có đầy đủ. Đơn vị muốn sử dụng nguồn phóng xạ phải lập hồ sơ xin cấp phép lên Cục ATBX và HN; đối với các nguồn phóng xạ lớn phải lập hội đồng đánh giá, thẩm định rồi mới cấp phép sử dụng. Đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ phải thực hiện các yêu cầu trong giấy phép từ vận chuyển, lưu trữ, sử dụng, bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nhân viên sử dụng nguồn phóng xạ cũng phải được cấp phép. Hằng năm, Cục ATBX và HN đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra an ninh tại các cơ sở có nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, do nhân lực không đủ để trực tiếp theo dõi quản lý, cho nên hầu hết đều “bỏ ngỏ” để các đơn vị sử dụng và thực hiện theo các quy định về tiêu chuẩn, an toàn, an ninh bức xạ, năng lượng nguyên tử.
Theo Cục ATBX và HN, gần đây liên tục xảy ra việc mất nguồn phóng xạ do kẻ trộm tưởng là thiết bị bình thường nên lấy để bán. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy nguồn phóng xạ bị thất lạc đơn vị sử dụng chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 107/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Mức xử phạt nhẹ là nguyên nhân dẫn tới việc những năm qua, trên cả nước liên tục xảy ra hiện tượng mất các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Khi đó, Cục ATBX và HN, Bộ KH và CN lại triển khai những phương án “chữa cháy”, đi tìm, cảnh báo người dân… gây tốn kém kinh phí của Nhà nước không nhỏ nhưng hiệu quả thấp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quản lý lỏng lẻo các nguồn phóng xạ, ngoài trách nhiệm từ những đơn vị trực tiếp sử dụng, cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Những năm trước đã có trường hợp, nguồn phóng xạ bị mất hàng tháng mà không ai biết, tăng nguy cơ rò rỉ phóng xạ, gây hoang mang cho người dân và xã hội. Ngay như sự cố mất nguồn phóng xạ tại tỉnh Bắc Cạn cuối năm 2015, mặc dù thời hạn sử dụng đã hết, nhưng phía Công ty CP xi-măng Bắc Cạn không hề làm thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng cấp phép gia hạn sử dụng. Cục ATBX và HN cần thống kê và giám sát các nguồn phóng xạ không còn sử dụng, mức độ an toàn và đưa về kho bảo quản, chứ không thể “thả nổi” như hiện nay. Đáng chú ý là việc lắp đặt thiết bị giám sát, định vị cho những nguồn phóng xạ lớn đã được đề ra từ rất lâu, nhưng đến nay không hiểu sao vẫn chưa triển khai.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần xem xét đưa vào các văn bản pháp luật quy định việc bảo vệ, bồi thường người dân khi bị nhiễm xạ do các nguồn phóng xạ bị mất gây ra. Theo kinh nghiệm từ các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), các nguồn phóng xạ sau khi sử dụng cần được xử lý, đóng kiện qua một quy trình công nghệ và được tập trung cất giữ ở một kho chứa chung. Cần tăng cường an ninh đối với các nguồn đã qua sử dụng còn phóng xạ, tránh việc bị lấy cắp để sử dụng cho các hoạt động khủng bố. Việc “thả nổi” các nguồn phóng xạ như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng thất lạc và gây ảnh hưởng đến xã hội nếu bị rò rỉ.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng ATBX và HN Vương Hữu Tấn cho biết, Cục chỉ quản lý “đầu vào” tức là kiểm soát, cấp phép các nguồn phóng xạ sẽ được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, còn sau đó các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ thế nào thì… không kiểm soát được. Các đơn vị nếu bị phát hiện có những sai phạm về lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Việc lắp đặt thiết bị giám sát chỉ áp dụng với những nguồn phóng xạ lớn, khả năng xảy ra nguy hiểm cao nếu bị rò rỉ, còn với những nguồn phóng xạ hoạt độ thấp chỉ có thể nâng cao ý thức của người sử dụng và tăng cường công tác quản lý. Dự kiến từ ngày 1-4-2016, khoảng 600 nguồn phóng xạ lớn sẽ được lắp đặt thiết bị giám sát an toàn an ninh phóng xạ, khi có tín hiệu mất an toàn thì đơn vị sử dụng sẽ báo cho cơ sở hoặc Cục ATBX và HN để xử lý.
Đối với việc đưa các nguồn phóng xạ về một kho chứa chung, Bộ KH và CN đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN, quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, yêu cầu các cơ sở chỉ được lưu giữ trong thời hạn không quá ba năm, sau đó phải chuyển về nơi lưu giữ tập trung, nhưng hiện nay còn gặp khó khăn về địa điểm lưu trữ. Trong quá trình thanh tra ở Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), các nguồn phóng xạ được lưu giữ tại đây được bảo quản tốt, kiểm đếm hằng ngày. Bộ KH và CN đã kiến nghị Ủy ban An toàn hạt nhân quốc gia giao Bộ Quốc phòng quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Bộ KH và CN đã thống nhất với Bộ Quốc phòng, trong năm 2016 sẽ thu gom hết các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng từ các cơ sở, tập trung về một đầu mối quản lý.
Ngoài việc thắt chặt việc quản lý, giám sát nguồn phóng xạ, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc tuyên truyền cho các chủ cơ sở sử dụng, người quản lý trực tiếp nguồn phóng xạ. Trên các thiết bị phóng xạ, khi nhập về Việt Nam, được cấp phép cần có những cảnh báo bằng tiếng Việt và số điện thoại đường dây nóng để người dân được biết, có những phản hồi kịp thời mỗi khi xảy ra sự cố. Đối với chế tài xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn bức xạ và hạt nhân, ngoài việc xử lý về mặt dân sự, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị sở hữu trong trường hợp nguồn phóng xạ thất lạc gây thương vong và ảnh hưởng đến môi trường khu vực.
Theo Nhandan.com.vn