Sẵn sàng cho “sân chơi” Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2022
Ngày đăng: 16/02/2022 08:18
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/02/2022 08:18
Nối tiếp thành công của những cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam trước, cuộc thi năm 2022 đang bước vào giai đoạn sẵn sàng đón nhận các đơn vị đăng ký tham gia dự thi với nhiều kỳ vọng về một “sân chơi” có quy mô lớn hơn để cà phê đặc sản Việt Nam đủ mạnh bước vào phân khúc cà phê đặc sản thế giới.
Lớp tập huấn "Chế biến cà phê chất lượng cao" ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam đã trở thành một hoạt động thường niên đối với ngành cà phê. Năm 2022, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ tư đã được khởi động vào hồi cuối tháng 10/2021 nhân dịp trao giải Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, để chuẩn bị cho Cuộc thi Cà phê đặc sản lần thứ tư, ngoài hàng loạt các sự kiện diễn ra như: phát động cuộc thi; ban hành quy chế thi mới và gửi cho tất cả các đơn vị cà phê trên cả nước…, Hiệp hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn "Chế biến cà phê chất lượng cao" cho các đối tượng trong ngành hàng cà phê. Điểm mới của các lớp tập huấn là tổ chức ở nhiều địa phương, gần vùng nguyên liệu cà phê hơn, không tổ chức tập trung đông người để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 và tiết kiệm chi phí trong giảng dạy. Thời gian tổ chức được rút ngắn, với nội dung tập huấn sát với thực tế của địa phương để người học áp dụng dễ hơn và mang lại hiệu quả tốt hơn.
“Theo kế hoạch, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2022 sẽ công bố và trao giải vào ngày 30/4/2022, để tiến tới ngày đó sẽ còn hàng loạt các sự kiện diễn ra. Hiện Hiệp hội cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các hoạt động hỗ trợ đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký dự thi để cuộc thi diễn ra thuận lợi và thành công như kỳ vọng”.
ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột |
Với tinh thần chung là đào tạo trực tiếp cho nông dân nên năm nay có sự tham gia nhiều hơn của các hợp tác xã (HTX) về sản xuất cà phê so với các năm trước. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhà rang xay, bạn trẻ khởi nghiệp trong ngành cà phê muốn bắt đầu đến các vùng nguyên liệu để học các phương pháp thu hoạch và chế biến cà phê chất lượng cao. Trên cơ sở đó, họ có những nhận thức tốt hơn về cà phê đặc sản để xây dựng quy trình chế biến, rang xay, pha chế sau này sẽ tốt hơn và bài bản hơn, đúng với tinh thần cà phê đặc sản.
Đến thời điểm này, Hiệp hội đã hoàn thành xong 4 khóa tập huấn "Chế biến cà phê chất lượng cao" cho nông dân tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với 83 học viên. Và điều đáng mừng là các lớp học đều đạt được mục tiêu đề ra như: giúp nông dân có những kiến thức cơ bản về chế biến cà phê chất lượng cao; nâng cao năng lực cho người nông dân về các phương pháp chế biến và bảo quản cà phê chất lượng cao; kiểm soát quá trình lên men của quả cà phê trong quá trình chế biến theo điều kiện thời tiết thực tế…
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi chưa tham gia các lớp tập huấn, năm đầu tiên đem mẫu đi tham dự Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam thì chỉ được 76 điểm (điểm chuẩn là 80 điểm). Sau khi được tham gia các lớp tập huấn do Hiệp hội tổ chức thì mẫu tham gia các đợt thi tiếp theo đều đạt trên 80 điểm (theo thang điểm cà phê đặc sản quốc tế). Nhất là cuộc thi lần thứ ba, mẫu cà phê Robusta của HTX đã đứng vào top 1 Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021, với 83,39 điểm. Điều này cho thấy một sự thay đổi lớn về trình độ sản xuất và chế biến của các thành viên HTX trong việc nâng cao giá trị hạt cà phê.
Các học viên tham gia lớp tập huấn "Chế biến cà phê chất lượng cao" ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) |
Theo đánh giá của ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, có rất nhiều giá trị thiết thực từ Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, trước hết là đối với những nông dân gắn bó với cà phê. Bởi khi làm cà phê đặc sản, lợi ích kinh tế mang lại tốt hơn vì giá bán cao hơn từ 30 - 40% giá trị quả tươi thông thường, nhất là một số giống cà phê chín muộn, chất lượng cao giá bán còn cao hơn nữa. Chính vì vậy, Hiệp hội rất ưu tiên hỗ trợ tập huấn cho các đối tượng trực tiếp sản xuất ra hạt cà phê (người nông dân) vì đây là những đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong chuỗi giá trị cà phê. Thông qua các lớp tập huấn này, nông dân sẽ biết cách nâng cao giá trị gia tăng từ nguồn, họ phải làm cà phê chất lượng cao và họ phải được hưởng mức giá cao hơn.
Mặt khác, để thương mại sản phẩm cho nông dân, các hội viên của Hiệp hội, đặc biệt là các doanh nghiệp hạt nhân (doanh nghiệp làm thương mại) cũng có trách nhiệm kết nối với các vùng nguyên liệu, tạo các liên kết chuỗi để cà phê đặc sản sản xuất ra được tiêu thụ hết với giá tốt. Đồng thời, Hiệp hội cũng tạo điều kiện để kết nối trực tiếp nông dân sản xuất cà phê với các nhà rang xay trong nước. Riêng đối với xuất khẩu cà phê đặc sản phải làm từng bước, trước hết phải làm cho thế giới biết rằng cà phê Robusta Việt Nam có sản phẩm Robusta đặc sản và người tiêu dùng ở các nước vốn đã quen dùng Arabica chấp nhận và thay đổi dần định kiến là cà phê Robusta không ngon để dần chuyển sang uống cà phê Robusta đặc sản…
Theo Báo Đắk Lắk