Sâm bố chính hữu cơ – dược liệu có giá trị kinh tế cao
Ngày đăng: 29/07/2020 11:09
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/07/2020 11:09
Từ khảo sát thực tế xu hướng trồng sâm tại Việt Nam, cũng như mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN (Sở KH&CN TP.HCM) vừa phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Quy trình trồng sâm bố chính hữu cơ”.
Cây sâm bố chính |
Canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dược liệu (thảo dược) hữu cơ ngày càng tăng và dần trở thành xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu và đây được xem là một trong những cơ hội cho các nước sản xuất dược liệu.
Ở nước ta, hiện nay đã có hơn 40 tỉnh thành có diện tích trồng trọt hữu cơ với diện tích hơn 23.000 ha. Diện tích trồng trọt chủ yếu là dùng sản xuất các sản phẩm hữu cơ theo các tiêu chuẩn của châu âu (EU), Mỹ, Nhật Bản...
Việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu đang được nhà nước ta quan tâm và được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ngành trồng trọt. Từ đó, có thể thấy việc định hướng phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo nhu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của con người.
Theo ThS. Hoàng Đắc Hiệt - Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong vài năm trở lại đây, sâm bố chính được xem là một trong những loại dược liệu có giá trị kinh tế cao. Nó được trồng tập trung ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và bước đầu phát triển ra các tỉnh phía Nam do cây dễ chăm sóc, dễ thích nghi với điều kiện môi trường và quy trình trồng đơn giản.
Theo đó, cây được trồng qua các công đoạn: chọn loại đất tơi xốp, có độ ẩm cao, ánh sáng đủ tốt; lên luống, gieo hạt và chăm sóc cây (tưới nước, làm cỏ, tưới phân, xịt thuốc trừ sâu ăn lá).
Cây sâm trồng từ 5 - 6 tháng sẽ ra hoa, tạo quả và sau từ 4 - 5 tháng thì có thể thu hoạch hạt để tiếp tục gieo trồng. Cây sâm bố chính trồng từ 10 - 12 tháng có thể cho thu hoạch củ. Tuy nhiên, với quy trình trồng hiện nay thì vẫn chưa đạt chuẩn canh tác hữu cơ.
Nắm bắt được xu thế đó, nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã tiến hành khảo sát đặc điểm sinh trưởng và phát triển của sâm bố chính, ảnh hưởng của liều lượng phân bón, mật độ trồng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của sâm và nghiên cứu thành công quy trình trồng sâm bố chính theo hướng hữu cơ.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy một số hiệu quả nhất định, như khả năng thích nghi của sâm bố chính, xác định được lượng phân bón, mật độ trồng… Đồng thời, quy trình này đảm bảo đầy đủ các thành phần hoạt chất bên trong củ sâm bố chính, phù hợp cho đa số bà con nông dân do dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư và tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ từ nguồn chăn nuôi gia súc hay các phụ phẩm nông nghiệp.
Do vậy, việc triển khai quy trình trồng sâm bố chính theo hướng hữu cơ được xem là một giải pháp hứa hẹn sẽ mang đến hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư, các đơn vị và doanh nghiệp sản xuất dược liệu. Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác chuyển giao quy trình trồng sâm bố chính theo hướng hữu cơ cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu.
Sâm bố chính còn có tên gọi khác là sâm phú yên, sâm thổ hào, sâm báo... là loại cây thân thảo, cao tới 50 cm, có tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr, thuộc họ bông Malvaceae, bộ Malvales.
Sâm bố chính là cây thuốc thường mọc ở miền núi và được phân bố tại nhiều nước, như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Việt Nam... Cây có rễ mọc thành củ; lá mọc so le, có cuống dài, mép khía răng, lá ở gốc không xẻ, lá ở giữa thân và ngọn xẻ 5 thùy sâu. Hoa to, màu đỏ mọc riêng lẻ ở kẽ lá. Quả nang, hình trứng nhọn, khi chín nứt thành 5 mảnh. Cây có hạt nhiều màu nâu. Toàn cây có lông, mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 9.
Theo điều tra ban đầu của Trung tâm sâm và dược liệu TP. Hồ Chí Minh, hiện nay ở nước ta có ít nhất 8 loại mang tên sâm bố chính khác nhau về hình thái: hoa có màu đỏ, hồng hay vàng với màu sắc đậm nhạt khác nhau ở cánh hoa, lá trưởng thành xẻ thùy năm hoặc hình mũi mác.
Thành phần hóa học được xác định trong sâm bố chính, gồm: Phytosterol, cuomarin, axit béo, axit hữu cơ, đường khử và hợp chất uronic; hàm lượng lipid hàm lượng đạm toàn phần đạt 0,23 g/100 g, hàm lượng protid đạt 1,26 g/100 g, hàm lượng tinh bột đạt 15,14%, chất nhầy là 18,92%, 11 acid amin và 13 nguyên tố đa lượng và vi lượng: Na, Ca, Mg, Al, Si, Fe, V, Mn, Ti, Mo, Cu, Zr và P.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy sự hiện diện của các saponin triterpen trong sâm bố chính, đây được xem là nhóm hợp chất có tác dụng quyết định những dược lý điển hình của các cây thuốc họ nhân sâm, có tác dụng tăng lực, chống nhược sức.
Sâm bố chính được sử dụng nhiều trong đông y với công dụng chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, viêm phế quản, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt và có công năng bổ khí, ích huyết…
Hiện nay, sâm bố chính được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, như dùng làm trà uống hằng ngày từ củ sâm sấy khô hoặc sản phẩm dạng trà túi lọc; dùng làm thuốc chữa bệnh; ngâm rượu; dùng làm thực phẩm…
Theo Khoahocphothong