Ra mắt Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM
Ngày đăng: 07/09/2023 16:45
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/09/2023 16:45
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM được thành lập để đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch, mục tiêu trở thành trung tâm vi mạch hàng đầu của cả nước.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo các bộ ngành tham quan Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn, chiều 6/9. |
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) do Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics và Synopsis thành lập trên cơ sở hợp nhất trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC) thành lập tháng 8/2022 và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) hoạt động hồi tháng 3. Theo Khu công nghệ cao TP HCM, việc hợp nhất hai tổ chức này nhằm mở rộng hợp tác thành một đơn vị đào tạo vi mạch có quy mô đủ lớn có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai. Ngoài ra ESC sẽ là đơn vị tổ chức chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước.
Tại lễ ra mắt Trung tâm chiều 6/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhà nước sẵn sàng dành nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ, đầu tư các phòng lab hiện đại nhất để nắm vững chuỗi giá trị ngành vi mạch.
Ông nhìn nhận, trong ngành vi mạch, muốn đi xa không chỉ dừng lại ở việc cầm tay chỉ việc mà cần có các nghiên cứu cơ bản và hiểu công nghệ lõi, biết cách học hỏi chuyển giao và hiểu bản chất công nghệ. Với nguồn nhân lực trong nước có thể làm công đoạn thiết kế ban đầu, học hỏi từ mô hình cụ thể ở vườn ươm sau đó sáng tạo đổi mới để làm chủ công nghệ với tư duy "đi sau nhưng tìm ra hướng đi khác để đón đầu".
Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết cùng TP HCM lắng nghe doanh nghiệp, nhà khoa học, giảng viên... kết nối 70.000 doanh nghiệp chuyển đổi số, hoạt động lĩnh vực điện tử để tạo ra nhu cầu, sự phát triển cho ngành vi mạch bán dẫn.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP HCM. Theo đó, chính quyền TP HCM tiếp tục nghiên cứu phát triển hơn nữa hạ tầng khoa học công nghệ, thêm cơ sở vật chất phục vụ cho các ngành công nghệ cao, trong đó có vi mạch bán dẫn. "Thành phố cam kết sẽ trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, mang tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế", ông Mãi nói.
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vi mạch trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước là FPT và VNPT.
Vnexpress