Phòng thí nghiệm pin nhiên liệu thế hệ mới đầu tiên ở Việt Nam
Ngày đăng: 15/09/2014 16:58
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/09/2014 16:58
Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Phòng thí nghiệm công nghệ nano (LNT), Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất đã được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận hỗ trợ vốn ODA để nghiên cứu. Thời gian dự kiến thực hiện dự án là 60 tháng, từ 4/2015 đến 3/2020. Việc triển khai thực hiện dự án thành công sẽ là cơ hội tốt cho LNT xây dựng Phòng thí nghiệm nghiên cứu pin nhiên liệu thế hệ mới trên nền oxid rắn (SOFC) đầu tiên ở Việt Nam. LNT sẽ được tiếp nhận công nghệ mới SOFC chuyển giao từ các chuyên gia của Nhật Bản và được đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Từ nhiều năm nay, Phòng thí nghiệm công nghệ nano đã tập trung nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, LNT đã phát triển vật liệu nano bạc và ứng dụng trong xử lý nước ao nuôi tôm để phòng ngừa bệnh tôm, cũng như hỗ trợ các công ty, trang trại nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre và huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh ứng dụng vật liệu nano vào việc khử khuẩn phòng ngừa bệnh tôm, mang lại hiệu quả cao.
Nhóm nghiên cứu của GS. Yusuke Shiratori thuộc Đại học Kyushu, Nhật Bản là một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới về pin nhiên liệu thế hệ mới trên nền oxid rắn (SOFC). Họ đã thành công trong thử nghiệm SOFC hoạt động liên tục trong thời gian 1 tháng, đây là thời gian thử nghiệm lâu nhất trên thế giới với khí sinh học và dầu cọ sinh học.
LNT và Đại học Kyushu đã hợp tác và đề xuất sử dụng chất thải từ ao nuôi tôm, cá để sản xuất điện. Chất thải hữu cơ (tập trung ở đáy ao), là tác nhân ảnh hưởng đến môi trường và sinh ra mầm bệnh cho tôm, cá, sẽ được bơm liên tục từ ao nuôi và sau đó được cấp vào hầm phân hủy kỵ khí để sản xuất khí sinh học.
Khí sinh học sẽ được cấp cho SOFC để sản xuất điện, sau đó điện sẽ cấp cho hệ thống sục không khí, bơm và hệ thống tuần hoàn nước cho ao tôm.
Đây là ý tưởng khoa học rất mới, vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa tạo ra lượng năng lượng lớn từ chất thải hữu cơ.
Theo Vista.vn