Phó thủ tướng đặt hàng nghiên cứu ứng phó các biến thể nCoV
Ngày đăng: 19/10/2021 09:20
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/10/2021 09:20
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với mỗi biến thể virus nguy hiểm cần ứng xử như một đại dịch mới, vì vậy cần khoa học vào cuộc nhanh hơn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc sáng 18/10. |
Trong buổi làm việc với các nhà khoa học bàn giải pháp khoa học phòng chống dịch Covid-19 sáng 18/10 tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự vào cuộc sớm của các nhà khoa học trong hai năm qua. "Các nhà khoa học đã đóng góp tâm huyết, trí tuệ, thầm lặng nhưng hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu", Phó thủ tướng ghi nhận và cho rằng những đóng góp của nhà khoa học có tính quyết định đến công tác chống dịch.
Đánh giá lại về hai năm phòng chống dịch, ông cho rằng, các chủ trương lớn của cơ bản đúng, phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. "Điều này từ công sức của các nhà khoa học", Phó thủ tướng nói.
Hiện Việt Nam "cơ bản kiểm soát được dịch bệnh để bước sang thời kỳ mới, thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn". Trong giai đoạn mới, Phó thủ tướng cho rằng "phải chung sống trong trạng thái bình thường mới nhưng không thụ động mà phải chủ động điều chỉnh tích cực mọi việc".
Dịch Covid-19 không phải là vấn đề y tế thông thường mà tác động đến mọi mặt của đời sống. "Đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu tác động toàn diện của dịch bệnh từ ban đầu và dự báo trong tương lai để sẵn sàng ứng phó", ông yêu cầu và cho rằng ngành y tế phải dự báo được dịch Covid-19 và các dịch bệnh trong tương lai.
Theo Phó thủ tướng, virus còn tồn tại trong thời gian tính bằng năm, sẽ có nhiều biến thể trong đó có biến thể nhẹ đi và có biến thể nguy hiểm hơn. Đặc biệt, có những loại biến thể kháng lại các loại vaccine và thuốc. Vì thế "mỗi biến thể nguy hiểm phải coi như một đại dịch tiềm năng mới, cần ứng xử như một đại dịch mới", ông Đam nhấn mạnh.
Để có kịch bản ứng phó phù hợp, Phó thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tập trung nghiên cứu để có đủ thông tin giúp Chính phủ thiết lập trạng thái bình thường mới. Các nghiên cứu cần theo đuổi là kit xét nghiệm, nhưng theo hướng tiện lợi hơn (sử dụng nước bọt, hoặc tìm ra các công nghệ mới). Cần có các công nghệ xét nghiệm thuận tiện, dễ dùng, giá thành chấp nhận được cho số đông để có thể "đánh chặn virus". "Vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cũng cần tập trung nghiên cứu để đặt nền móng ứng phó dịch bệnh cho tương lai", Phó thủ tướng yêu cầu.
Tại buổi làm việc, ông cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra đầu bài đặt hàng đột xuất với các nhà khoa học và y tế triển khai đào tạo y tế cơ sở; xây dựng các kịch bản ứng xử trong các tình huống diễn biến của dịch. Theo đó, cần có hệ thống giám sát bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, có hướng dẫn tới mạng lưới y tế để giám sát tốt hơn dịch Covid-19 và các dịch bệnh tương tự. "Mục đích là để thích ứng an toàn với dịch mà không làm mất cơ hội phát triển", Phó thủ tướng nói.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong giai đoạn tới ngành ngành khoa học tập trung bảy hướng nghiên cứu. Trong đó có: vaccine và thuốc điều trị; hội chứng hậu Covid; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ máy thở oxy dòng cao (HFNC), hệ thống làm giàu oxy và khí nén sử dụng trong y tế di động; các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện nCoV qua mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở, các nghiên cứu đánh giá tác động đến kinh tế và khuyến nghị các mô hình hoạt động giáo dục, y tế thích ứng trong giai đoạn mới...
Cụ thể Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19, mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu năm loại vaccine, trong đó ưu tiên vaccine Covid-19, vaccine ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần. Các nghiên cứu sản xuất KIT định lượng và khả năng trung hòa của kháng thể kháng nCoV cũng được triển khai.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ sẽ kiên quyết hơn nữa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình do ngân sách nhà nước tài trợ.
"Bộ Khoa học và Công nghệ đang rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý các nhiệm vụ cấp quốc gia giai đoạn tới với tinh thần cầu thị, nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Trong buổi làm việc sáng nay, các nhà khoa học đến từ viện hàn lâm, trường đại học, Quốc hội... đã đưa ra nhiều đề xuất để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Trong đó tập trung nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19; phát triển các phương pháp xét nghiệm mới, nhanh và giá thành hợp lý hơn. Nhiều ý kiến đề xuất các bộ đặt hàng nghiên cứu, tránh lãng phí, chồng chéo; đầu tư xây dựng Trung tâm an toàn sinh học cấp III, cấp IV để Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động thực nghiệm và thử nghiệm lâm sàng trong các nghiên cứu chuyên sâu về vaccine.
Theo Vnexpress