Phát triển vật liệu địa chất ổn định đất cho gia cố đê điều và nền đất
Ngày đăng: 24/06/2016 10:36
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/06/2016 10:36
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phùng Bảo Thạch phát biểu tại Hội thảo |
Sáng 22/6, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Doanh nghiệp quận Long Biên và Viện Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng Weimar (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế tổng kết Dự án hợp tác Việt Nam – CHLB Đức Đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống vật liệu từ tro than và phế thải khoáng sản để cải tạo đê đập, san lấp mương rãnh và ổn định đất ở Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, cùng đại diện viện nghiên cứu, trường đại học. Về phía Đức có đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu xây dựng ứng dụng Weimar và một số Công ty của Đức.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam và Đức gặp gỡ, trao đổi kết quả nghiên cứu sản xuất vật liệu, kết quả thử nghiệm vật liệu gia cường đê, đập có thành phần hữu cơ cao trong thân đê, đập tại tỉnh An Giang. Các Công ty của Đức giới thiệu về công nghệ và máy thi công vật liệu ổn định và cải tạo đê đập. Hội thảo cũng là dịp để đối tác hai bên cùng trao đổi để đưa ra định hướng chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu và chế tạo thiết bị để trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ này.
Đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống vật liệu từ tro than và phế thải khoáng sản để cải tạo đê đập, san lấp mương rãnh và ổn định đất ở Việt Nam” được phối hợp triển khai giữa Hội doanh nghiệp quận Long Biên và Viện Nghiên cứu xây dựng ứng dụng Weimar là một trong các đề tài được triển khai trong Chương trình hợp tác lần thứ nhất trong khuôn khổ Ý định thư hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và đổi mới sáng tạo.
Dự án được thực hiện từ 9/2013 đến 5/2016 với mục tiêu phát triển được một hệ thống vật liệu phục vụ cho việc gia cố đê dễ bị sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, trên cơ sở áp dụng công nghệ sử dụng vật liệu ổn định đất được phát triển bởi vật liệu và công nghệ cao của CHLB Đức. Định hướng nghiên cứu của Dự án phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hệ thống công trình thủy lợi, góp phần tích cực vào việc phòng chống thiên tai trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến ngày một phức tạp ở Việt Nam hiện nay. Vật liệu gia cố là kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được thử nghiệm tại tỉnh An Giang, được tỉnh đánh giá cao và mong muốn được thử nghiệm trong việc gia cố đê đập của tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phùng Bảo Thạch cho biết, hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức được hình thành và phát triển gần 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và được đẩy mạnh kể từ khi Bản ghi nhớ về hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức BMBF được ký kết năm 1997. Từ những hoạt động hợp tác trao đổi thông tin ban đầu, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã dần dần đi vào chiều sâu, nhiều chương trình hợp tác lớn đã được mở ra, tạo cơ hội cho các nhà khoa học hai nước cùng thực hiện các dự án nghiên cứu chung, cùng trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, chia sẻ tri thức, đào tạo chuyên sâu và cùng công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế.
“Từ chỗ Dự án chỉ được thực hiện bởi các nhà khoa học, đến nay các chương trình, Dự án hợp tác đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp hai nước. Điều đó cho thấy các Đề tài, Dự án hợp tác ngày càng có định hướng ứng dụng cao”, ông Phùng Bảo Thạch cho hay.
TS. Ulrich Wilhelm Palzer, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xây dựng ứng dụng Weimar đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả Dự án đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh đây là một trong những Dự án điển hình thí điểm để hai bên tiếp tục hợp tác, triển khai trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ diễn ra Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về khả năng ứng dụng kết quả của dự án trong thực tế để gia cố đê đập, ổn định đất cho các công trình thủy lợi tại Việt Nam.
Theo Truyenthongkhoahoc