Phát hiện cơ chế sinh học chung giữa mất ngủ và suy giảm thính lực
Ngày đăng: 07/07/2025 10:30
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/07/2025 10:30
Giấc ngủ đóng vai trò trung tâm trong nhiều quá trình sinh lý và tâm thần, bao gồm củng cố trí nhớ, hỗ trợ các chức năng nhận thức, giúp loại bỏ chất độc thần kinh trong não, cân bằng nội tiết tố và thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu khoa học thần kinh gần đây cũng cho thấy các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, rối loạn vận động chân tay theo chu kỳ (PLMD) và ngưng thở khi ngủ có thể liên quan đến mất thính lực.
![]() |
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính cứ 3 người thì có 1 người trên toàn cầu sẽ gặp phải rối loạn giấc ngủ vào một thời điểm nào đó trong đời. Do đó, việc hiểu rõ ảnh hưởng của các rối loạn này lên những khía cạnh khác của sức khỏe con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp xây dựng các biện pháp can thiệp mới nhằm cải thiện giấc ngủ, sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.
Mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và mất thính lực đã được nghiên cứu nhiều, song mức độ ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai yếu tố này vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn. Một số nghiên cứu cho rằng mất thính lực gây khó khăn cho giấc ngủ, trong khi các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ có thể làm suy giảm sức khỏe thính giác.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Không quân - Trung Quốc mới đây đã tiến hành tổng quan các tài liệu nghiên cứu trước đó về chủ đề này nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ giữa rối loạn giấc ngủ và mất thính lực. Bài báo của họ, đăng trên tạp chí Neuroscience, đã chỉ ra một số cơ chế sinh học then chốt liên quan đến cả rối loạn giấc ngủ và suy giảm thính giác, đồng thời đưa ra những gợi ý có thể hỗ trợ phát triển các phương pháp điều trị mới.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Mối quan hệ phức tạp giữa rối loạn giấc ngủ và mất thính lực đang trở thành một lĩnh vực nghiên cứu đang nổi. Nhiều nghiên cứu đã làm sáng tỏ mối liên hệ tiềm tàng giữa hai yếu tố này, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của người bệnh”.
Mất thính lực, hay suy giảm thính giác, là một chỉ báo quan trọng cho thấy sự rối loạn về mặt sinh lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày và công việc của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn nếu không được điều trị. Các rối loạn giấc ngủ có thể gây ra những thay đổi về thể chất và tâm lý, từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến thính lực, trong khi suy giảm thính giác cũng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của người mắc phải.
Theo nhóm nghiên cứu, các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận âm thanh theo những cách khác nhau. Ví dụ, trong giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM), khả năng xử lý âm thanh dường như mạnh hơn so với giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh).
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy mất thính lực có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Điều này có thể do người bị suy giảm thính lực trở nên nhạy cảm hơn với tiếng ồn nền, khiến họ khó đi vào giấc ngủ hoặc dễ bị tỉnh giấc giữa đêm.
Ngược lại, một số nghiên cứu khác phát hiện rằng thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thính giác về sau. Mặc dù cơ chế liên kết giữa hai hiện tượng này vẫn chưa được hiểu rõ, song việc điều trị thành công các rối loạn giấc ngủ có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe thính giác.
Các nhà khoa học Zhang, An nhấn mạnh: Mặc dù một số nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa thời lượng ngủ và mất thính lực, nhưng rõ ràng các vấn đề liên quan đến giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ mất thính lực. Do đó, việc hiểu rõ mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và mất thính lực, cũng như các cơ chế nền tảng, sẽ góp phần xây dựng các biện pháp can thiệp nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ và bảo vệ sức khỏe thính giác. Kết quả được công bố nhằm làm rõ mối tương quan giữa hai yếu tố, đồng thời cung cấp thông tin có giá trị cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lâm sàng trong tương lai.
Nghiên cứu này tổng hợp những phát hiện nổi bật trong nhiều thập kỷ qua, cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa rối loạn giấc ngủ và suy giảm thính lực. Trong tương lai, những hiểu biết này có thể giúp định hướng các nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm tìm ra các cơ chế thần kinh và sinh học cụ thể, từ đó phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa hoặc chiến lược phòng ngừa hiệu quả.
Vista.gov.vn