Phát hiện cơ chế điều tiết giúp kiểm soát vi khuẩn gây ung thư đại trực tràng
Ngày đăng: 10/04/2023 08:20
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/04/2023 08:20
Các nhà nghiên cứu tại Viện Forsyth, Mỹ, mới phát hiện một cơ chế quan trọng có thể ảnh hưởng tới cách ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Điều kỳ lạ là phát hiện này lại bắt đầu từ miệng.
Ức chế vi khuẩn Fn bằng các ARN nhỏ (tsRNA) từ vật chủ đã điều chỉnh cấu trúc hóa học |
Hệ vi sinh vật đường miệng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe răng miệng ở người. Khi sự cân bằng giữa vi khuẩn và vật chủ bị đảo lộn thì sẽ sinh ra bệnh. Tình trạng một số loại vi khuẩn gây bệnh trong miệng tăng liên quan trực tiếp đến các bệnh lý như tiểu đường, Alzheimer, và các loại ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư gây tử vong nhiều thứ hai, lấy đi hơn 52.000 sinh mạng mỗi năm. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vi khuẩn Fusobacterium nucleatum, một tác nhân gây bệnh cơ hội ở đường miệng là một trong những yếu tố gây nên ung thư đại trực tràng.
Vi khuẩn Fusobacteria thường tồn tại trong miệng những người khỏe mạnh, và sống cân bằng với những loại vi khuẩn khác thuộc hệ vi sinh vật đường miệng. Loại vi khuẩn này được coi là mang tính cơ hội bởi vì trong một số trường hợp nhất định, chúng nhanh chóng phát triển vượt tầm kiểm soát và gây tổn thương cho vật chủ là con người.
Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem điều gì giữ các vi khuẩn Fusobacteria trong tầm kiểm soát ở những người khỏe mạnh. Họ tìm ra một phân tử được tạo ra một cách tự nhiên ở người và tác động trực tiếp đến các vi khuẩn Fusobacteria, ngăn chúng không bành trướng. Phân tử này là một loại ARN nhỏ.
Tiến sĩ Xuesong He, thành viên ban lãnh đạo của Viện Forsyth và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên về phân tử ARN nhỏ này là nó rất mạnh và có mục tiêu rất cụ thể. Nó không loại bỏ mọi vi khuẩn cả tốt lẫn xấu, mà chỉ ức chế vi khuẩn Fusobacteria. Với khả năng nhằm vào một mầm bệnh cụ thể, phân tử này trở thành một tác nhân trị liệu đầy hứa hẹn”.
Vi khuẩn Fusobacteria phát triển thiếu kiểm soát thường gây ra bệnh nha chu. Tuy nhiên nó cũng có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm hơn, ví dụ như ung thư đại trực tràng. Nếu một người không thường xuyên vệ sinh răng miệng và bị chảy máu vi thể thì vi khuẩn có thể xâm nhập và di chuyển theo dòng máu đến các bộ phận khác trong cơ thể, ví dụ như ruột già.
“Trong miệng một người khỏe mạnh có vệ sinh rằng miệng tốt thì vi khuẩn Fusobacteria được kiểm soát. Khi sự cân bằng nội môn của miệng bị phá vỡ do vệ sinh răng miệng kém hay do hệ miễn dịch của vật chủ bị suy yếu, thì đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn Fusobacteria phát triển vượt tầm kiểm soát,” Tiến sĩ Pu-Ting Dong, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Viện Forsyth và là đồng tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Trong nghiên cứu này, nhóm của Tiến sĩ He đã liên kết với Tiến sĩ Jiahe Li (đồng tác giả liên hệ của bài báo) ở Đại học Northeastern, Boston, để điều chỉnh cấu trúc hóa học của phân tử ARN nhỏ này, khiến nó trở nên hiệu quả hơn nữa trong việc ức chế và ngăn ngừa vi khuẩn Fusobacteria phát triển quá mức.
Viện Forsyth và Đại học Northeastern đã đăng ký bằng sáng chế quốc tế (PCT/US21/19890) cho các phân tử ARN nhỏ được điều chỉnh và nhằm vào vi khuẩn Fusobacteria.
Các tác giả hi vọng tiếp tục nghiên cứu đề tài này để đưa đến những liệu pháp ngăn ngừa hiệu quả đối với các bệnh toàn thân liên quan đến vi khuẩn Fusobacteria.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí The ISME Journal.
Khoahocphattrien