Pháp tiếp tục là đối tác tin cậy trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam
Ngày đăng: 13/07/2015 08:41
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/07/2015 08:41
Ngày 7-7, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng khẳng định, với năng lực chuyên môn cao, tiềm lực tài chính tốt, trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm dày dặn về quản lý và nhiều sự ưu việt khác, các doanh nghiệp năng lượng lớn của Pháp sẽ tiếp tục là những đối tác tin cậy và hợp tác lâu dài trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng: Có nhiều cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư Pháp trong phát triển năng lượng ở Việt Nam. |
Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt - Pháp do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cơ quan Thương mại Pháp phối hợp Bộ Công thương tổ chức ở Paris, nhằm thúc đẩy sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng, nhất là các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Nhu cầu phát triển năng lượng của Việt Nam
Theo tính toán tại thời điểm hiện tại, từ năm 2017, khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than và xa hơn là khí để phục vụ nhu cầu phát điện.
Tổng nhu cầu than cho điện trong 20 năm tới vào khoảng 1,1 tỷ tấn, trong đó, giai đoạn đến năm 2020 gần 250 triệu tấn, giai đoạn 2021-2030 gần một tỷ tấn. Dự kiến nhập khẩu trong 20 năm tới sẽ rất lớn, khoảng 550 triệu tấn, giai đoạn đến năm 2020 cần nhập khẩu khoảng 110 triệu tấn. Cùng với xu hướng phát triển năng lượng chung của thế giới, Việt Nam định hướng sử dụng công nghệ than sạch, hiệu quả cao, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng và bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trưởng.
Về phát triển điện khí, theo đánh giá sơ bộ, Việt Nam cần nhập khẩu khí từ năm 2020. Nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên đến khoảng 5-6 triệu tấn LNG/năm vào năm 2020 và ước tính khoảng 10-15 triệu tấn/năm vào năm 2030, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nhập khẩu LNG của thế giới. Hiện tại, Công ty ENGIE của Pháp (tên trước đây là GDF Suez) tham gia 37% trong liên doanh gồm các nhà đầu tư Nhật Bản, Pháp và Việt Nam xây dựng nhà máy Nhiệt điện chạy khí Sơn Mỹ 1 theo hình thức BOT. Tiến độ dự án sẽ đồng bộ với giai đoạn 1 của dự án Kho cảng nhập khẩu LNG năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho rằng, các con số nêu trên nói lên nhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam hết sức hiện thực, chính là cơ hội hợp tác lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Pháp.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, diễn đàn năng lượng lần này mang ý nghĩa quan trọng với ngành dầu khí để thực hiện nhiệm vụ trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng. Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hợp tác với nhiều đối tác Pháp, trước đây là Total và bây giờ là nhiều Công ty khác. Một số doanh nghiệp Pháp đã tham gia vào các dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
"Chúng tôi đánh giá rất cao năng lực và trình độ, thiện chí trong quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp", ông Nguyễn Hùng Dũng nói.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp
Tại Diễn đàn, các cán bộ phụ trách về năng lượng cũng như đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Pháp cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và trao đổi, nhằm tìm ra các cơ hội thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác năng lượng cụ thể như mong muốn chung của hai nước kể từ khi ký kết Đối tác chiến lược năm 2013.
Theo đại diện của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Năng lượng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, riêng lĩnh vực điện, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Pháp có nhiều hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đặc biệt thông qua các tổ chức như Cơ quan phát triển Pháp, nhiều chương trình hợp tác giữ Việt Nam và Pháp đã được thực hiện. Với tốc độ tăng trưởng điện ở mức trung bình từ 10-12%, đây là mức tăng trưởng lớn, do vậy, về đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện và các lĩnh vực về phát triển quản lý, vận hành lưới điện còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp của Pháp có thể tham gia và hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Trong lĩnh vực dầu khí, các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam cũng như tại các nước thứ ba trong khu vực. Về phát triển điện, các cơ hội để các doanh nghiệp Pháp tham gia cũng rất lớn gồm các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ than sạch, phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống lưới tải hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh, phát triển các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Việt Nam và Pháp có mối quan hệ gắn bó lâu đời, liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Chính phủ hai nước đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư. Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam trên đà phát triển nhanh, vì vậy có nhu cầu lớn về năng lượng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, Việt Nam vẫn luôn là thị trường hấp dẫn không chỉ bởi các tiềm năng sẵn có mà còn hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh thế giới. Cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập và khi đó thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, là cầu nối để các doanh nghiệp Pháp phát triển quan hệ hợp tác với khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của mình, Pháp có thể đóng một vai trò tích cực trong sự phát triển của ngành năng lượng ở Việt Nam. Sự có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp tại Việt Nam là cơ sở rất tốt để tiếp tục mở rộng hợp tác.
Các doanh nghiệp Pháp cần chủ động hơn
Đại diện của Cơ quan Thương mại Pháp và các doanh nghiệp Pháp giới thiệu công nghệ, sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực phát triển năng lượng, nhất là năng lượng sạch của Pháp.
Các doanh nghiệp Pháp có tham gia các dự án hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), như nhà máy điện BOT Phú Mỹ 22 của Công ty Điện lực Pháp EDF. Đây là dự án xây dựng và vận hành tại Việt Nam được 10 năm, được coi là dự án thành công của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hợp tác kinh tế hiện nay giữa Việt Nam và Pháp chưa tương xứng với sự phát triển tích cực của quan hệ chính trị. Mức độ đầu tư của Pháp vào các lĩnh vực trong đó có năng lượng ở Việt Nam còn mức khiêm tốn.
Vì vậy, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier cho rằng, các doanh nghiệp Pháp cần tích cực hơn trong việc tìm hiểu nhu cầu hợp tác đầu tư tại Việt Nam, tham gia cả các dự án có quy mô nhỏ ở các địa phương để khẳng định uy tín, từ đó có thể tham gia những dự án lớn.
Thực tế cho thấy, có sự khác biệt trong cách tiếp cận và thúc đẩy dự án đầu tư giữa các nước ở châu Á và châu Âu. Do đó, Đại sứ Jean-Noël Poirier cho rằng, các doanh nghiệp Pháp cần hiểu rõ các phong tục, tập quán làm ăn ở Việt Nam, trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các ngành cũng như địa phương để bàn về khả năng tham gia các dự án hợp tác. Có như vậy mới có cách liên kết hiệu quả, nắm rõ được nhu cầu của các đối tác ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, với sự chuyên sâu trong từng chuyên môn cụ thể và tính linh hoạt cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp cũng hoàn toàn có cơ hội triển khai các hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp năng lượng của Việt Nam.
Diễn đàn Năng lượng được tổ chức chỉ ba tháng sau kỳ họp thứ 3 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế giữa Việt Nam và Pháp diễn ra ở Paris. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa thỏa thuận của lãnh đạo hai nước về thúc đẩy hợp tác kinh tế, vốn là nội hàm chủ đạo của quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên vừa ký kết tháng 9-2013. Các doanh nghiệp Pháp đã nhận được thông tin cụ thể về các chương trình, dự án phát triển năng lượng của Việt Nam để xúc tiến cơ hội hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Nhandan.com.vn