Nhọc nhằn xây dựng thương hiệu gạo Việt
Ngày đăng: 04/04/2018 08:54
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/04/2018 08:54
Mặc dù luôn nằm trong các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng ngành lúa gạo Việt Nam hàng chục năm qua vẫn loay hoay chưa tìm ra thương hiệu gạo quốc gia.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Dù trình độ nghiên cứu lúa của Việt Nam được nhiều nước trong khu vực đánh giá cao, Việt Nam cũng là nước có nhiều giống lúa, trong đó có cả những giống lúa chất lượng cao, nhưng đến nay thương hiệu gạo vẫn là vấn đề đáng bàn.
Thiếu điều kiện để làm lớn
GS.VS Trần Đình Long, Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho biết: nước ta có sự đa dạng về các giống lúa chất lượng cao, chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long cũng có tới hơn 100 giống lúa, ví dụ như gạo OM, gạo ST, gạo Lộc Trời, gạo ĐS 1... và bản thân chúng ta cũng đã có những thương hiệu nhỏ, ví dụ ST, Niêu Vàng, Ban Mai… Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế về thương mại gạo được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), giống gạo ST24 của Việt Nam đã vinh dự xếp thứ hai trong ba loại gạo ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, ở mức lớn thì chúng ta đúng là chưa có, chúng ta chưa có thương hiệu gạo quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, chúng ta đang thiếu đủ thứ để làm điều đó.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan phân tích: Thứ nhất, chúng ta là nước xuất khẩu gạo chứ không phải là nước xuất khẩu lương thực. Chúng ta xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo/năm nhưng bù lại chúng ta cũng nhập một lượng lớn các loại lương thực khác như ngô, bột mỳ, đậu tương... rất lớn.
Theo số liệu chính thức, năm 2016, chúng ta nhập 8,3 triệu tấn ngô, 1,56 triệu tấn đậu tương và khô đậu tương. Đó là chưa kể đến bột mì nhập từ các nước châu Âu, gạo có thương hiệu nhập từ Thái Lan và Campuchia. Nếu quy đổi ra gạo thì chúng còn lớn hơn 7 triệu tấn gạo xuất, điều này có nghĩa chúng ta làm quá lắm chỉ đủ ăn. Nếu như vậy, thì khó có thể làm thương hiệu.
Thứ hai, chúng ta không đủ đất đai để tổ chức hệ thống gạo có thương hiệu. Ở Thái Lan, họ dành 7 triệu ha chỉ để chuyên trồng lúa xuất khẩu; tương tự Camphuchia cũng dành tới 4 triệu ha. Trong khi đó ở Việt Nam chỉ có 4 triệu ha dành cho trồng lúa. Một năm có hai vụ nghĩa là có 8 triệu ha với sản lượng là 45 triệu tấn, tính cả các loại lương thực khác như ngô, khoai tây… thì chúng ta cũng chỉ đạt 55 triệu tấn quy ra thóc cho một năm. Sản lượng này không phải nhỏ, nhưng chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu trong nước của 97 triệu dân thì xuất là để bù vào nhập, nghĩa là chúng ta thiếu sự chủ động, tạm thừa thì xuất chứ không thể tổ chức vùng chuyên canh cho xuất khẩu được.
Thứ ba, các doanh nghiệp không mặn mà. Để làm tốt thương hiệu, doanh nghiệp phải đứng ra để làm quy hoạch vùng, đầu tư giống, thủy lợi, kỹ thuạt canh tác; Đầu tư công nghệ cho thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, chế biến… Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp làm đều lỗ, hoặc gặp vô vàn khó khăn về quy hoạch vùng, chính sách đất đai, về cơ chế tự chủ… Nếu đã lỗ và vướng cơ chế chính sách thì không thể làm.
Làm sao để chính người Việt biết đến gạo Việt
Vẫn theo PGS. TS Nguyễn Văn Hoan, để xây dựng và quảng bá thương hiệu, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Người Thái Lan mất 20 năm để quảng bá gạo Khaodakmali, người Mỹ mất 15 năm để quảng bá gạo Jasmine. Như vậy, muốn có gạo thương hiệu, chúng ta cũng phải mất một khoảng thời gian dài nữa. Và quan trọng hơn, chúng ta xây dựng thương hiệu cho gạo chưa cần tới việc ra thị trường quốc tế mà hãy nghĩ ngay đến việc phục vụ thị trường trong nước.
Ví dụ, chúng ta có rất nhiều giống lúa ngon, nhưng bản thân thị trường trong nước, cũng không phải ai cũng biết tới ST, OM, Lộc Trời... Trước mắt hãy làm sao để chính người Việt biết đến gạo Việt.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, với tất cả những khó khăn trên, với gạo chúng ta chỉ nên làm thương hiệu nhỏ, tầm khoảng 100.000 tấn/năm và ưu tiên làm thương hiệu trong nước trước. Như vậy là vừa đủ và hợp lý. Làm lớn hơn là điều không thể.
GS.VS Trần Đình Long, cho rằng, cần có lộ trình và phải phân khúc thị trường; từng phân khúc chúng ta sẽ làm thương hiệu cho các loại gạo phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tập đoàn lên mạnh dạn hơn nữa để xây dựng các thương hiệu phù hợp với từng thị trường.
“Khác với gạo, với cà phê, hồ tiêu, ca cao, hạt điều, những loại nông sản này chúng ta hoàn toàn có thể làm thương hiệu lớn. Bởi sản lượng cà phê, hồ tiêu, ca cao, hạt điều hiện rất lớn và hơn thế, nhu cầu trong nước rất ít, chúng ta dư thừa rất nhiều, vì thế, chúng ta cần làm thương hiệu lớn để tạo uy tín trong việc xuất khẩu”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan. |
Theo Khampha.vn