Nhật Bản đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp thông minh
Ngày đăng: 11/12/2017 16:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/12/2017 16:40
Thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội tụ của công nghệ tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất, kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Chương trình “Công nghiệp 4.0” ở Đức, Sáng kiến Cộng đồng Công nghiệp internet ở Mỹ... Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đều đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh.
Chẳng hạn, tại Nhật Bản, quá trình tự động hóa kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) đang được đẩy mạnh. Vì vậy, nước này đã xây dựng một chiến lược để phát triển công nghiệp thông minh. Cùng với đó, Nhật Bản cũng như có những bước đi rất cụ thể để tận dụng tối đa những lợi ích từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong một nhà máy thế hệ mới tại Nhật Bản, những người công nhân tại nhà máy tái chế đồ điện cũ PETECK, Công ty Panasonic đã quen với 4 cỗ máy chở hàng không người lái chạy vòng quay nhà máy. 4 cỗ máy này sẽ mang các bảng mạch điện tử cần xử lý đến cho một cỗ máy khác, quá trình này diễn ra mà không có sự can thiệp của con người. Việc đầu tư cho mỗi một thiết bị robot rất tốn kém, lên đến 600.000 USD, tuy nhiên một hệ thống robot hoàn chỉnh có thể thay thế rất nhiều nhân lực, đồng thời làm tăng hiệu suất lên nhiều lần.
Cũng như nhiều nước phát triển khác, các tập đoàn lớn của Nhật Bản là động lực chính đằng sau việc triển khai các sáng kiến liên quan đến công nghiệp 4.0. Việc kết nối sản xuất, ứng dụng tiến bộ công nghệ sẽ giúp họ có lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.
Về quản lý, chính phủ Nhật Bản cũng đã từng bước đưa ra và triển khai các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa 4.0. Sau "Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" và "Chiến lược cách mạng hóa Robot", trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhật bản đã triển khai "Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5" nhằm định hình một xã hội "siêu thông minh" hay "xã hội 5.0". Khi đó, xã hội sẽ cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân.
Xã hội Nhật Bản đang trong trong giai đoạn già hóa dân số, đối mặt với bài toán suy giảm lao động và vì vậy robot sẽ dần thay thế con người. Nhật Bản cũng đã có những chính sách để gia tăng việc làm trong các ngành dịch vụ thông tin và các dịch vụ khác. Người dân Nhật Bản sẽ có nhiều thời gian hơn để cống hiến cho sáng tạo, từ đó tạo ra những giá trị mới từ việc cải tiến phương thức sản xuất. Với nền tảng khoa học, công nghệ cao đã có sẵn, Nhật Bản tự tin sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.
Theo Vista.gov.vn