Nghiên cứu xác định tổ hợp phân bón chuyên dùng cho cam bưởi thanh long thời kỳ kinh doanh ở một số vùng trồng chính
Ngày đăng: 15/01/2025 08:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/01/2025 08:46
Ở Việt Nam, phát triển cây ăn quả đang là hướng đi được đẩy mạnh ở nhiều vùng miền trong cả nước. Một số loại quả đã và đan là sản phẩm xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam như thanh long, cam, bưởi, xoài, chuối... Hiện nay, trong thâm canh cây ăn quả, chi phí phân bón chiếm hơn 40%, sau dịch COVID giá cả phân bón tăng cao trong khi tình hình xuất khẩu khó khăn làm hiệu quả sản xuất giảm. Tuy nhiên, quá trình điều tra các vùng trồng cây ăn quả chính (Cam, bưởi thanh long) cho thấy tình trạng canh tác không tuân thủ khuyến cáo vẫn còn phổ biến, người dân lạm dụng phân bón hóa học, không bón hoặc bón ít phân hữu cơ làm đất trồng suy thoái độ phì nhiêu dẫ đến khó tái canh khi vườn cây cỗi.
Để xác định lượng phân bón phù hợp, tỷ lệ phân bón NPK cân đối trên nền phân hữu cơ và các phân bón trung vi lượng cho cam, bưởi, thanh long rất cần có đánh giá tổng thể về độ phì nhiêu của đất, hiện trạng sử dụng phân bón, các nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây, trên cơ sở đó sẽ xác định được các tổ hợp phân bón chuyên dùng cho nhóm cây ăn quả này ở các vùng trồng chính. Xuất phát từ thực tế trên, PGS. TS. Cao Việt Hà đã phối hợp với các cộng sự tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định tổ hợp phân bón chuyên dùng cho cam bưởi thanh long thời kỳ kinh doanh ở một số vùng trồng chính” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2022.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xác định được nhu cầu dinh dưỡng và lượng bón phân tối ưu cho cam, bưởi, thanh long ở một số vùng trồng chính; và đề xuất được tổ hợp phân bón vô cơ chuyên dùng phù hợp cho cam, bưởi, thanh long thời kỳ kinh doanh ở một số vùng trồng chính nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng quả và góp phần bảo vệ môi trường.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tình hình sử dụng phân bón tại 7 tỉnh trồng cam, bưởi, gồm có vùng trồng cam sành Hàm yên Tuyên Quang, vùng trồng cam Vinh ở Nghệ An, vùng trồng cam sành Hậu Giang, vùng trồng bưởi Diễn ở Hà Nội, vùng trồng bưởi Da Xanh ở Bến Tre, vùng trồng thanh long Bình Thuận và vùng trồng thanh long Long An. Kết quả cho thấy người dân phần lớn bón ít – rất ít phân hữu cơ so với khuyến cáo, lạm dụng phân bón hóa học. Lượng phân bón hóa học cao hơn khuyến cáo từ 1,2 - 2 lần tùy theo loại phân. Qua đó, các tác giả đã xác định được 7 tổ hợp phân bón chuyên dụng hiệu quả cho cam, bưởi thanh long thời kì kinh doanh ở 7 tỉnh và cách bón.
Kết quả thu được về hiệu quả kinh tế của các tổ hợp phân bón qua mô hình trình diễn năm 2021 như sau:
+ Mô hình cam sành Hàm Yên: Áp dụng quy trình kỹ thuật bón phân cho cây cam sành đã cho năng suất thực thu vụ 2021 của lô mô hình (CT2) đạt 32.48 tấn/ha, doanh thu đạt được 272,34 triệu đồng/ha và lợi nhuận thu được là 206 triệu đồng/ha (chưa tính khấu hao thời kỳ kiến thiết cơ bản) tăng so với đối chứng 29.96%. Trên lô mô hình, tỷ lệ quả loại 1 đạt hơn 50%, hàm lượng đường (độ Brix) đạt 10.3 và vitamin C đạt 55,16mg/100g, tiết kiệm được 14.2% phân khoáng NPK so với lô đối chứng.
+ Mô hình bưởi Da Xanh ở Bến Tre: Năng suất lô mô hình đạt 22,36 tấn/ha cao hơn 6,78% so với đối chứng. Doanh thu lô mô hình đạt 335.404 triệu đồng/hacao hơn 23,20% so với lô đối chứng. Chi phí vật tư giảm 10,98% so với lô đối chứng do giảm được lượng phân bón. Tỷ lệ quả loại 1 tăng so với đối chứng 34.89%.
+ Mô hình thanh long Bình Thuận: Năng suất thanh long trên lô mô hình đạt 13,6 tấn/ha cao hơn 15,2% so với đối chứng. Lợi nhuận đạt mức 95,23 triệu đồng/ha/vụ và cao hơn so với công thức bón theo khuyến cáo của khuyến nông địa phương 47,6%. Tổng lượng phân bón tiết kiệm được 40% so với mức bón theo khuyến nông địa phương.
Việc xác định tổ hợp phân bón chuyên dùng cho cam bưởi thanh long thời kỳ kinh doanh ở một số vùng trồng chính góp phần nâng cao chất lượng quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23310/2023) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn