Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ
Ngày đăng: 10/10/2014 15:06
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/10/2014 15:06
Kí kết giữa Vụ Công nghệ cao và Trường ĐHBK Hà Nội |
Ngày 9/10, tại Hà Nội, Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ ký hợp đồng triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực.”
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Quốc gia được giao trực tiếp cho Viện điện tử - Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện. Đề tài này được triển khai trên cơ sở đề xuất của Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, giám sát các nguồn phóng xạ trên toàn quốc của Cục. Mục tiêu của đề tài là thiết kế và chế tạo được thiết bị phục vụ định vị, giám sát theo thời gian thực vị trí và trạng thái các thiết bị di động có nguồn phóng xạ nhằm bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ.
Theo TS. Trần Quang Vinh, chủ nhiệm đề tài, đây là mục tiêu có nhiều thách thức do các thiết bị chứa nguồn phóng xạ thường hoạt động trong các điều kiện và môi trường khó khăn, đòi hỏi hệ thống phải có khả năng định vị, định danh nguồn phóng xạ, giám sát mức độ phóng xạ của nguồn trong các điều kiện thách thức như khi không có tín hiệu định vị vệ tinh, hay yêu cầu định vị dưới độ sâu, trong các công trình ngầm,... Ngoài ra các thiết bị di động chứa nguồn phóng xạ, như thiết bị kiểm tra không phá hủy (NDT), khi hoạt động sẽ phát ra cường độ bức xạ cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điện, điện tử xung quanh nó. Tuy nhiên, nhóm thực hiện đề tài đã có những nghiên cứu bước đầu và chuẩn bị các phương án thiết kế, chế tạo,và phát triển hệ thốngtruyền thông đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Toàn cảnh buổi họp |
Cũng theo TS. Vinh, về mặt kỹ thuật, việc thiết kế chế tạo và triển khai hệ thống quản lý và giám sát các thiết bị di động có nguồn phóng xạ theo thời gian thực một cách hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp của nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Trong phạm vi của đề tài này, nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng những tiến bộ về điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử hạt nhân, cơ khí, công nghệ vật liệu để tạo ra một hệ thống tích hợp quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ di động hoàn chỉnh, chuyển giao thành công hệ thống này cho Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ KH&CN để có thể ứng dụng được ngay vào thực tế.
Kết quả của đề tài sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ tốt hơn, có thể phát hiện, phòng ngừa, và ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép nguồn phóng xạ trong quá trình sử dụng, vận chuyển và lưu giữ nguồn phóng xạ, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ.
Theo Truyenthongkhoahoc