Nghiên cứu và đề xuất giải pháp xây dựng mạng lưới phân phối cho một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường ASEAN
Ngày đăng: 06/08/2021 15:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/08/2021 15:26
Với thị trường 660 triệu dân, GDP của ASEAN năm 2016 đạt 2.551 tỷ USD và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Trong thời gian qua, XK của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Ngoài những mặt hàng nông sản và nguyên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) sang các nước ASEAN nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa, hàng gốm sứ thủy tinh với giá trị cao và ổn định hơn.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015 tạo điều kiện lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam XK các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam XK sang các nước ASEAN còn có cơ hội mở rộng thị trường khác vì các quốc gia trong AEC còn có các hiệp định thương mại tự do với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Thời gian qua, các DN Việt Nam thường XK hàng hóa sang các thị trường nói chung và sang thị trường ASEAN nói riêng qua nhiều trung gian nước ngoài, dẫn đến khó nắm bắt được tận gốc nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại. Cũng do XK gián tiếp và phân phối hàng hóa qua nhiều cấp nên DN bị phụ thuộc nhiều vào đối tác trung gian, lợi nhuận XK trên doanh thu thấp. Chất lượng, mẫu mã hàng hóa, danh mục sản phẩm… khó theo kịp xu hướng tiêu dùng và các quy định của thị trường. Hơn nữa, do không có “tiếng nói”, “vị thế” trong mạng lưới phân phối nên DN không chủ động được chiến lược kinh doanh, tiếp thị, phát triển thị trường và khó phát triển được thương hiệu của mình tại các thị trường nước ngoài.
Để đẩy mạnh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài, ngày 03 tháng 09 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Phê duyệt Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Đề án này đặt ra các mục tiêu cụ thể đó là (i) tăng kim ngạch hàng hoá XK trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã có hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác; (ii) tăng kim ngạch XK (KNXK) trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm của những nhóm hàng XK mà Việt Nam có thế mạnh (như dệt may, da giầy, thuỷ sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ...); (iii) phấn đấu đến năm 2020, hàng hoá XK của Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Đối với thị trường ASEAN, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng trong quan hệ thương mại với ASEAN trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu khá lớn, nhất là với thị trường Thái Lan, Malaixia và Singapo. Thị phần của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại các thị trường ASEAN còn rất khiêm tốn, đồng thời, tỷ trọng của các thị trường ASEAN trong tổng KNXK các sản phẩm công nghiệp của nước ta còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là các DN XK Việt Nam chưa chủ động được trong việc xây dựng hoặc tham gia hiệu quả vào mạng lưới phân phối hàng hóa tại các thị trường thành viên của ASEAN. Từ các cơ sở trên, nhóm nghiên cứu Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại do ThS. Đinh Thị Bảo Linh là chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp xây dựng mạng lưới phân phối cho một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường ASEAN”.
1. Đề tài đã phân tích phân tích, chọn lọc được các lý luận và thực tiễn gần nhất với điều kiện của DN XK sản phẩm công nghiệp của Việt Nam về các nội dung chính của xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường XK; theo đó đầu tiên cần xác định rõ được nhu cầu, mục tiêu và phương pháp phân phối hàng hóa: XK và phân phối trực tiếp hay gián tiếp qua nhiều kênh trung gian? Hay kết hợp cả hai hình thức? XK tại chỗ hay XK qua thương mại điện tử… Về các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh, Đề tài đã dựa trên các phân tích về cơ sở lý luận và thực tiễn để xác định và phân nhóm các sản phẩm công nghiệp là trọng tậm xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường ASEAN trong thời gian tới. Về thị trường ASEAN, bên cạnh cơ sở thực tiễn về thị trường ASEAN nói chung, Đề tài đã phân tích sâu thực tiễn đặc điểm tiêu thụ và phân phối hàng hóa tại từng thị trường thành viên của ASEAN, coi đó là cơ sở để phân tích thực trạng và đề xuất lựa chọn các mặt hàng phù hợp với từng thị trường, phân khúc thị trường và đề xuất các giải pháp xây dựng mạng lưới phân phối các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tại từng thị trường đó.
2. Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới phân phối cho một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường ASEAN. Sau bức tranh toàn cảnh về tình hình XK và phân phối các sản phẩm công nghiệp sang thị trường ASEAN, xác định được những thành công và nguyên nhân, những hạn chế và nguyên nhân, Đề tài đã đi sâu phân tích tình hình phân phối đối với từng mặt hàng cụ thể trong hai nhóm đã được lựa chọn. Đặc biệt, Đề tài đã tính toán được thị phần các sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại các thị trường, phân tích tình hình cạnh tranh, xác định được các vấn đề chính trong phân phối hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường này, xác định được danh mục sản phẩm đang được phân phối ở từng thị trường, danh sách các đầu mối NK và phân phối các mặt hàng đó tại từng thị trường (tên, địa chỉ liên hệ của các đầu mối chính, đặc điểm mạng lưới phân phối của một số đầu mối) và một số nghiên cứu điển hình về mạng lưới phân phối hàng hóa của DN Việt Nam tại thị trường ASEAN như tập đoàn Hòa Phát, công ty gốm sứ Minh Long, công ty may Việt Tiến, công ty Bitis… Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp về xây dựng mạng lưới phân phối cho các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam.
3. Đề tài đã đánh giá triển vọng tiêu thụ và xây dựng mạng lưới phân phối ở thị trường ASEAN cho các sản phẩm; phân tích các định hướng, chính sách đã được phê duyệt liên quan; đề xuất định hướng chung và các giải pháp, kiến nghị nhằm xây dựng mạng lưới phân phối cho một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường ASEAN.
Tóm lại, để xây dựng được mạng lưới phân phối hiệu quả cho các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường ASEAN, rất cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của các DN và vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Trong quá trình thâm nhập hoặc thiết lập mạng lưới phân phối tại các thị trường ASEAN cần nắm được những định hướng lớn về phát triển thị trường cũng như kế hoạch triển khai của các đối tác, đối thủ, thận trọng và chắc chắn để tìm được những “ngách” của thị trường phù hợp về chiến lược kinh doanh, về năng lực phân phối, về đối tác địa phương... để từ đó tránh được những rủi ro, tổn thất do việc xây dựng mạng lưới phân phối thiếu bài bản, mang tính tự phát, cạnh tranh lẫn nhau và làm giảm uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại thị trường ASEAN hay nghiêm trọng hơn là nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hay các biện pháp chống gian lận xuất xứ...
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15786/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn