Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nguồn mở xây dựng hệ thống phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam
Ngày đăng: 28/02/2023 09:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/02/2023 09:01
Tại Việt Nam có nhiều nhà cung cấp phần mềm cho hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai tại các bộ ngành và địa phương khác nhau. Tuy nhiên, một số khó khăn chung thường gặp khi triển khai thực tiễn: Các hệ thống không đồng bộ được với nhau, khó khăn khi tích hợp giữa các đơn vụ khác nhau đặc biệt là vấn đề liên thông; Chưa có chuẩn dữ liệu đối với các hệ thống dịch vụ công tiêu chuẩn; công nghệ cồng kềnh phức tạp không phù hợp phát triển trong tương lai; không thể tái sử dụng code cho các hệ thống dịch vụ công triển khai sau; thời gian triển khai dịch vụ công trực tuyến dài, phụ thuộc vào năng lực của từng nhà thầu.
Phần mềm lõi dịch vụ công nguồn mở OpenCPS được phát triển từ tháng 3/2016 theo đúng mô hình nguồn mở trên thế giới, sử dụng bản quyền AGPLv3. OpenCPS được phát triển theo mô hình mở với sự tham gia góp sức của nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng. Trong thời gian hơn 02 năm phát triển và triển khai, OpenCPS 1.8 đã đạt được một số kết quả ban đầu đáng ghi nhận ở ba khía cạnh: giải pháp công nghệ (áp dụng nhiều giải pháp công nghệ cao), bài học thành công (ứng dụng tại các: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ; đạt hiệu quả cao được ghi nhận khách quan), cộng đồng phát triển và triển khai (có 22 thành viên tập thể).
Phiên bản OpenCPS 1.8 vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với dự thảo hướng dẫn xây dựng dịch vụ công như chưa có chức năng đánh giá sự hài lòng và chưa có phiên bản hiển thị tốt trên các thiết bị di động. Việc triển khai dịch vụ công sử dụng OpenCPS đã có cải thiện đáng kể về tốc độ triển khai, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của nhóm các công ty triển khai, nên còn nhiều khó khăn khi triển khai trên quy mô lớn và có thể được nhân rộng trong cả nước bởi một số lí do như kiến trúc phần mềm dựa trên nền tảng Liferay 6.2, là phiên bản theo kiến trúc cũ nay đã được nâng cấp lên thành Liferay 7 có nhiều sự thay đổi về công nghệ giúp dễ dàng mở rộng và tuỳ biến linh hoạt hơn; còn thiếu các công cụ tiện ích, tài liệu kĩ thuật giúp người dùng thông thường có thể triển khai hệ thống một cách dễ dàng. Vì thế, nhóm nghiên cứu của Trần Kiêm Dũng tại Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nguồn mở xây dựng hệ thống phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam” từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS đáp ứng yêu cầu triển khai với quy mô lớn, trong thời gian ngắn phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 1.0.
Đề tài tìm kiếm, khai thác các công nghệ nguồn mở mới và tiên tiến để cải tiến và hoàn thiện về công nghệ, quy trình sản xuất phần mềm OpenCPS đáp ứng yêu cầu triển khai với quy mô lớn, trong thời gian ngắn phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, nhằm mục tiêu đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Các nội dung chính đã được thực hiện trong đề tài gồm:
- Nâng cấp công nghệ xây dựng hệ thống thông tin theo kiến trúc OSGi (microservies) thông qua việc chuyển đổi từ sử dụng nền tảng Liferay 6.7 bằng Lifereay 7 với nhiều sự thay đổi giúp phần mềm dễ dàng được mở rộng và tùy biến linh hoạt hơn.
- Bổ sung các tính năng của sản phẩm phần mềm OpenCPS để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá do Bộ TT&TT ban hành được quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia khác theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
- Cải tiến các quy trình công nghệ dùng cho phát triển phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS với mục đích nâng cao, cải thiện chất lượng của sản phẩm, gồm có: Quy trình công nghệ tích hợp, đóng gói phân phối phần mềm tự động (CI/CD); Quy trình công nghệ bảo đảm an toàn an ninh thông tin; Quy trình công nghệ bảo đảm hiệu năng và mức độ sẵn sàng hệ thống; Quy trình công nghệ quản lý giám sát vận hành hệ thống, bảo đảm chất lượng dịch vụ; Quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn đánh giá phần mềm nguồn mở; Quy trình công nghệ tiếp nhận báo cáo phản hồi của người dùng.
Sản phẩm phần mềm mã nguồn mở OpenCPS v2 được đánh giá là có khả năng triển khai trên diện rộng tại nhiều cơ quan bộ ngành và địa phương. Sản phẩm đã được thử nghiệm để triển khai được ở cấp quy mô lớn của toàn tỉnh với thời gian trong vòng 3 tháng. Do đó nó đã đem lại hiệu quả và tác động rõ rệt vào mục tiêu cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sản phẩm nằm trong định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài của Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS trong việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm cung cấp chuỗi sản phẩm, dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử theo mô hình hợp tác tự do nguồn mở.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18130/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn