Cây sau sau thường mọc hoang thành quần thể rừng ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng. Cây sau sau cao, to, vỏ cây sau sau màu trắng đục. Theo y học cổ truyền, lá sau sau có vị đắng, mùi thơm, tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, trị mẩn ngứa, trị thấp khớp, trị đau răng.
Lá sau sau có nhiều tinh dầu, trong tinh dầu lá sau sau có nhiều cấu tử là dẫn xuất chứa oxy. Người Tày Cao Bằng từ lâu đã dùng lá sau sau để làm thực phẩm và nhuộm xôi. Bên cạnh đó, lá non sau sau thường được sử dụng dưới dạng gia vị là rau sống để ăn kèm với các loại rau sống khác. Lá sau sau non xào với thịt bò thành món ăn thơm ngon và lạ. Lá sau sau đun lên lấy nước ngâm gạo nếp để đồ xôi thành màu xanh đen ngả tím rất hấp dẫn trong thành phần xôi ngũ sắc vẫn được người Tày dùng trong các dịp lễ tết. Hầu hết các bộ phận của cây sau sau đều là thuốc. Một số bài thuốc dân gian từ cây sau sau đã được ứng dụng vào thực tiễn có kết quả cao.
Hiện nay, cây sau sau được sử dụng chủ yếu với mục đích là bảo vệ rừng mà chưa được quan tâm, khai thác với mục đích là hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, lá sau sau lại chứa nhiều tinh dầu và có mùi thơm đặc trưng, nhưng chưa được quan tâm khai thác và sử dụng có hiệu quả.
Ở Việt Nam, nhu cầu về tinh dầu cho các ngành thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm ngày càng nhiều. Nước ta có nhiều loại thực vật có chứa tinh dầu, nhưng nhiều năm qua nước ta lại phải nhập khẩu tinh dầu với số lượng lớn. Việc khai thác, sản xuất tinh dầu vẫn còn nhỏ, manh mún và tạm bợ. Hiện nay, nguồn nguyên liệu để sản xuất hương liệu chủ yếu từ quế, đinh hương, sả, bạc hà... với sản lượng còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay, cây sau sau được sử dụng chủ yếu với mục đích là bảo vệ rừng mà chưa được quan tâm, khai thác với mục đích là hiệu quả kinh tế.
Trong khi đó, cây sau sau phát triển rất lớn ở nhiều cánh rừng các tỉnh phía Bắc nước ta như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn..., trong lá sau sau chứa nhiều tinh dầu và có mùi thơm đặc trưng lại chưa được quan tâm nghiên cứu và sử dụng có hiệu quả. Cho đến thời điểm này ở nước ta có rất ít các công trình nghiên cứu khai thác, thu hồi tinh dầu lá sau sau, xác định các cấu tử trong tinh dầu lá sau sau. Xuất phát từ những lý do trên, TS. Lê Thị Phượng và các đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất và xác định hoạt tính sinh học của tinh dầu lá sau sau (Liquidambar formosana Hance)” góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về cây sau sau ở nước ta.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:
- Đã xây dựng được quy trình sản xuất tinh dầu lá sau sau bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, với các thông số kỹ thuật là: Kích thước nguyên liệu 0,5mm, tỷ lệ nước/nguyên liệu 5/1(ml/g), thời gian chưng cất 134 phút; khi đó hiệu suất đạt 81,54%.
- Bằng phương pháp sắc ký khí nối ghép khối phổ GC-MS đã xác định được 33 cấu tử trong tinh dầu lá sau sau. Trong các cấu tử thu được, cho thấy có 15 cấu tử thuộc nhóm hydrocarbon chiếm 60,70% (nhóm monoterpene: 53,51%, nhóm sesquiterpene: 7,19%) và 18 cấu tử là dẫn xuất của hydrocarbon, chiếm 37,88% (nhóm aldehyde: 18,30%, nhóm alcohol: 15,28% và nhóm ester: 4,30%).
- Sử dụng các phương pháp hóa sinh đã xác định được khả năng quét gốc tự do DPPH là 40,02 ± 0,17% tương đương với vitamin C là 39,85 ± 0,21%; khả năng kháng khuẩn mạnh trên các chủng vi sinh vật thí nghiệm, cụ thể là khả năng kháng khuẩn mạnh nhất đối với chủng Bacillus subtilis đường kính vòng kháng khuẩn là 11mm, sau đó đến chủng Escherichia coli và Salmonella typhi, khả năng kháng khuẩn thấp nhất đối với chủng Staphylococcus aureus, đường kính vòng tròn kháng khuẩn là 1,5-2mm. Đồng thời đã xác định khả năng gây độc tế bào ung thư biểu mô miệng ở người và ung thư phổi ở người; kết quả cho thấy tinh dầu lá sau sau không thể hiện hoạt tính ức chế tế bào ung thư trên các dòng tế bào thử nghiệm.
- Đã xây dựng được công thức và quy trình sản xuất thạch rau câu bổ sung tinh dầu lá sau sau với tỷ lệ (bột thạch 30%, gelatin 8%, đường 10%, nước 20%, dịch cam 30% và tinh dầu lá sau sau 2%). Công thức và quy trình sản xuất bánh quy xốp (bột mì 53%, đường 15%, bơ 10%, trứng gà 5%, sữa tươi 10%, tinh dầu lá sau sau 3%, nước sạch 4%), nướng bánh ở 150 độ C, thời gian 15 phút).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15091/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn