Nghiên cứu quy trình chế tạo chế phẩm sinh học từ chủng Chaetomium globosum để phòng trừ bệnh chết nhanh cây hồ tiêu
Ngày đăng: 08/11/2022 15:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/11/2022 15:50
Cây hồ tiêu (Piper nigrum L) có nguồn gốc từ Ấn Độ và lịch sử của cây hồ tiêu được xem như là gắn liền với lịch sử của Ấn độ. Sản lượng hồ tiêu thế giới không ngừng tăng nhanh từ năm 1983 đến 2015 từ 200.000 tấn, dự báo vụ 2015/2016 khoảng 450.000 tấn tăng gấp 2,25 lần. Việc sản lượng hồ tiêu tăng không ngừng là do nhu cầu tiêu thu hồ tiêu tăng và việc tăng đột biến giá hồ tiêu trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu xuất khẩu. Tổng sản lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2014 đạt 155.000 tấn, chiếm 38,6% tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.
Cây hồ tiêu là một trong những loại cây trồng bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh rất khó phòng trừ, trong đó bệnh chết nhanh là một ví dụ điển hình. Khi cây có hiện tượng mắc bệnh, nhiều biện pháp khác nhau sẽ được áp dụng để phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu. Để đảm bảo yêu cầu chất lượng tiêu xuất khẩu cũng như giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Mai Cương tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quy trình chế tạo chế phẩm sinh học từ chủng Chaetomium globosum để phòng trừ bệnh chết nhanh cây hồ tiêu” từ năm 2018 đến năm 2019.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình chế tạo chế phẩm sinh học từ chủng Chaetomium globosum để phòng trừ bệnh chết nhanh cây hồ tiêu do nấm Phytophthora gây ra.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
1. Đã phân lập được 01 chủng nấm Chaetomium globosum từ đất trồng cây hồ tiêu. Môi trường thích hợp để nhân sinh khối chủng Chaetomium globosum là trên môi trường PDA hoặc PDB, pH 5 - 6, nhiệt độ thích hợp từ 25oC đến dưới 30oC trong điều kiện tối liên tục.
2. Đã tách chiết được hoạt chất Chaetoviridin A là hoạt chất có tác dụng kháng nấm Phytophthora capsici gây bệnh chết nhanh hồ tiêu.
3. Đã tạo thành công chế phẩm sinh học từ chủng nấm đối kháng Chaetomium globosum sử dụng môi trường PDB để nhân nuôi chủng nấm Chaetomium globosum, với nhiệt độ 25oC, pH 5,5; tốc độ khuấy 150 vòng/phút, trong 10 ngày. Lượng sinh khối thu được sau khi sấy khô được bổ sung chất phụ gia như: Glycerol 40g, Cellulose 40g, 1900g bột ngô + lõi ngô (tỉ lệ 7/3), 10g cặn chứa hoạt chất và phụ gia vừa đủ 2000g. Lượng bào tử đảm bảo đạt > 3,0. 107 bào tử trên/gram (hoặc tương đương 130 cfu/g).
4. Hoạt tính đối kháng giữa chủng nấm Chaetomium globosum và nấm Phytophthora capsici trên đĩa thạch đạt 74,07% so với đối chứng. Hiệu quả phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu của chế phẩm có chứa chủng nấm Chaetomium globosum trong điều kiện nhà lưới đạt 71,97% với liều lượng 2g/lít.
5. Hiệu quả phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu trên đồng ruộng của chế phẩm ChaetoG - Biochem 02 bước đầu cho kết quả cao, đạt 69,05%.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17726/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo Vista.gov.vn