Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và giấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn và keo)
Ngày đăng: 28/02/2022 15:12
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/02/2022 15:12
Than sinh học là sản phẩm dạng rắn, có màu đen, giàu cacbon cố định (C), thu được từ quá trình nhiệt phân (cacbon hóa) sinh khối hữu cơ, ví dụ gỗ, phế phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ (rơm rạ, bã mía, phân, trấu, vỏ, v.v…), chất thải sau chế biến thực phẩm, bùn thải, các nguyên liệu được làm nóng đến nhiệt độ từ 150 độ C đến cả 1000 độ C dưới điều kiện nồng độ oxy thấp (môi trường yếm khí).
Tùy theo chất lượng, than sinh học được sử dụng cho nhiều lĩnh vực: Cải tạo đất trồng, nướng thực phẩm, sưởi ấm, lọc nước, khử mùi, làm nguyên liệu cho than hoạt tính, …
Giấm gỗ sinh học như tên gọi của nó, có vị chua và nguồn gốc từ gỗ, là sản phẩm phụ nhưng rất có giá trị thu được trong quá trình sản xuất than sinh học (ngưng tụ khói thải do nhiệt phân than sinh học, chưng cất có chọn lọc). Sản phẩm ở dạng lỏng, màu vàng nhạt đến sẫm, có mùi khói. Ngoài thành phần chính là nước (hơn 90%) còn lại là các hợp chất hữu cơ thiên nhiên, nhiều nhất là axit axetit (từ 2 -5%) và các hợp chất hữu cơ khác: Phenol, methannol, axeton, este… độ pH giữa 2 và 3.
Giấm gỗ sinh học được xem như một loại nguyên liệu hữu cơ dùng trong bảo vệ thực vật sinh học cho nông nghiệp sạch (tiêu diệt, xua đuổi côn trùng, sâu bệnh hại…), Khử mùi hôi chất thải, làm sạch môi trường sống…
Đối tượng sản phẩm nghiên cứu đổi mới hoàn thiện công nghệ sản xuất được đề cập tại dự án là sản phẩm than sinh học chất lượng cao từ cây nguyên liệu rừng trồng (bạch đàn và keo) và sản phẩm đồng hành giấm gỗ sinh học.
Xuất phát từ thực tiễn đó, sản phẩm than sinh học chất lượng cao và sản phẩm giấm gỗ sinh học là các sản phẩm sản xuất thử nghiệm của dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và giấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn và keo)” do Cơ quan chủ trì Công ty Cổ phần Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Võ Chí Hiếu thực hiện với mục tiêu: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao phục vụ xuất khẩu (quy mô 60 lò, công suất 2.000 tấn than sinh học chất 4 lượng cao/năm); Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giấm gỗ sinh học từ khí thải của quá trình sản xuất than sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững (công suất lít giấm gỗ sinh học/năm); Đánh giá hiệu quả của giấm gỗ đối với cây trồng (khả năng BVTV sinh học, kích thích tăng trưởng thực vật, làm lành các vết thương thực vật và cải tạo đất trồng).
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Hệ thống lò nung dạng cửa lò mở phù hợp yêu cầu sản xuất than sinh học chất lượng cao bằng kỹ thuật cơ giới, tự động hoá, quy mô 60 lò, công suất 2.000 tấn than sinh học/năm, 500.000 lít giấm gỗ sinh học/năm.
Than sinh học (tương đương với 3.000 tấn nguyên liệu đầu vào); Giấm gỗ sinh học: 162.235 lít.
Hồ sơ thiết kế hệ thống lò sản xuất than sinh học dạng cửa lò mở phù hợp yêu cầu sản xuất than sinh học chất lượng cao và giấm gỗ sinh học.
Quy trình công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao được hội đồng khoa học cơ sở công nhận.
Quy trình công nghệ sản xuất giấm gỗ sinh học được hội đồng khoa học cơ sở công nhận.
Quy trình sử dụng giấm gỗ sinh học trong nông nghiệp được hội đồng khoa học cơ sở công nhận.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17118/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo Vista.gov.vn